06:00 01/09/2021

Tiếp sức nông dân cơ giới hoá trong nông nghiệp

Trần Trọng Triết

Việc mở rộng nhiều chính sách ưu đãi vốn vay nhằm hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng nông nghiệp trọng điểm được kỳ vọng là tiền đề để các ngân hàng thương mại tăng trưởng mạnh tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, việc triển khai những chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, liên tiếp trong các năm 2011 - 2013, các tổ chức tín dụng trên cả nước đã cho vay trên 9 nghìn khách hàng vay gần 2 nghìn tỷ đồng để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa có mức độ nội địa hóa trên 60%.

TRÊN 12.000 TỶ ĐỒNG VỐN ƯU ĐÃI ĐÃ GIẢI NGÂN

Sau Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Chính phủ nhằm tháo gỡ các “nút thắt” về tỷ lệ nội địa hóa của máy móc, thiết bị nông nghiệp và bổ sung chính sách hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu và 50% vào năm thứ 3 để đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị… hoạt động cho vay nhằm cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch có sự lan tỏa và tăng trưởng vượt bậc.

Quan sát dữ liệu thống kê từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong vòng 10 năm (từ 2011 - 2020) các ngân hàng thương mại (bao gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, LienVietPostBank và ACB) đã cho vay doanh số đạt khoảng trên 12.000 tỷ đồng đối với hơn 37.800 khách hàng là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân.

Trong đó, doanh số cho vay đạt 10.150 tỷ đồng. Số lượng khách hàng vay vốn hơn 28.400 khách hàng. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 (thời điểm kết thúc chương trình cho vay theo Quyết định số 68/2013) là 2.350 tỷ đồng với 8.800 khách hàng còn dư nợ. Riêng Agribank cho vay tích cực nhất, chiếm khoảng 96% tổng dư nợ cho vay chương trình này.

Về phía địa phương, các tỉnh, thành có dư nợ cho vay hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch đạt mức cao, bao gồm: tỉnh An Giang (trên 1.148 tỷ đồng/4.800 khách vay); Kiên Giang (trên 733,7 tỷ đồng/1.300 khách vay); Cà Mau (107,5 tỷ đồng/200 khách vay); Hải Phòng (189,4 tỷ đồng/512 khách vay); Phú Thọ (157,5 tỷ đồng/200 khách vay); Quảng Bình (66,4 tỷ đồng/162 khách vay)…

Theo ghi nhận của các địa phương này, doanh số cho vay đạt cao nhất là các máy móc phục vụ việc canh tác, sấy nông sản và chăn nuôi (chiếm 61,6% tổng dư nợ của chương trình), kế đó là các loại máy kéo, động cơ diezel sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản (chiếm 34%).

Có thể khẳng định nhờ có các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, sau hơn 6 năm (2014 - 2020) triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã tăng lên đáng kể. Khâu làm đất đối với sản xuất lúa ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều địa phương đã được cơ giới hóa 100%; khâu thu hoạch, xay xát lúa, chế biến gạo cũng đạt mức 95% ở các vựa lúa trọng điểm phía Nam. Từ đó, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở nhiều vùng trồng lúa chỉ còn ở mức 8% - 10%, giảm nhiều lần so với giai đoạn trước 2013.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, phải thừa nhận là so với nhu cầu thực tế thì lượng vốn cho vay nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa và gảm giảm tổn thất sau thu hoạch vẫn  chưa như mong muốn.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các địa phương còn bị động, lúng túng khi vận dụng cũng như triển khai chương trình; số lượng các ngân hàng thương mại tham gia cho vay theo chương trinh còn hạn chế; việc tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm phát triển sản xuất chưa tốt; công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chuyển giao còn nhiều bất cập, nhất là các công nghệ bảo quản, các mô hình cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch triển khai chậm…

Những nguyên nhân trên cho thấy phần nào lý do khiến lượt khách hàng vay vốn và doanh số vốn vay của chương trình chưa thật sự đạt mức như mong muốn.

Để tăng hiệu quả cho chủ trương cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp, các địa phương, ban ngành và ngành Ngân hàng cần khắc phục nhanh những tồn tại đã nêu ở trên.  

DỒN THÊM VỐN CHO MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP LỚN

Theo dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương để trình Chính phủ xem xét ban hành (thay thế Quyết định 68/QĐ-TTg) thì những chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để mua sắm máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ được duy trì và bổ sung thêm nhiều quy định mới.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất kéo dài thêm thời hạn thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg đến cuối năm 2025; bổ sung thêm danh mục máy móc được hỗ trợ cho vay nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay các mô hình thí điểm phục vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương.

Ngoài ra, điểm đổi mới lớn nhất trong dự thảo Nghị định sắp được ban hành là trọng tâm hỗ trợ lãi suất vay vốn được dồn cho các dự án, chương trình sản xuất lớn, các chuỗi liên kết vùng và trung tâm cơ giới hóa vùng.

Tại Điều 13 của Dự thảo Nghị định này quy định: Đối với các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ; chuỗi sản xuất; trung tâm cơ giới hóa vùng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định (về máy móc công nghệ, về nhân lực, tổ chức liên kết sản xuất, cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững) sẽ được ngân sách hỗ trợ vay vốn tối đa 100% và hỗ trợ 100% lãi suất trong 3 năm để thực hiện các dự án phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Các dự án này cũng sẽ được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn tín dụng ở các ngân hàng thương mại, đồng thời cũng sẽ được giảm 50% tiền thuê đất trong 10 năm để xây dựng hạ tầng phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.

Đối với các cá nhân, hộ gia đình đầu tư mua sắm các chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp sẽ vẫn được vay vốn tối đa 100% giá trị máy móc thiết bị và hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay thương mại trong 2 năm, tương tự như các quy định đã được thể hiện trong Quyết định 68/2013/QĐ-TTg.

Riêng đối với các dự án chế biến nông sản được đầu tư đơn lẻ, ngân sách cũng sẽ hỗ trợ 50% lãi suất trong 2 năm đối với việc vay vốn đầu tư các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền chế biến nông sản theo danh mục mới có bổ sung phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.