17:17 16/04/2021

Tìm kế thoát Covid: Doanh nghiệp lữ hành phải tự làm mới mình

Thanh Hải

Các doanh nghiệp lữ hành "phải thăm dò cầu, kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa, gắn với sự tính toán kỹ lưỡng theo từng phân khúc khách hàng, với từng loại hình riêng để đưa ra sản phẩm phù hợp”

Cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa
Cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa

Tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 tổ chức chiều ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, để thúc đẩy ngành du lịch trong thời gian tới, đặc biệt là trong khi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, du lịch nội địa là đòn bẩy để phục hồi và phát triển du lịch.

Các doanh nghiệp lữ hành "chắc chắn phải tự làm mới chính mình". Muốn làm được điều đó, phải cố gắng hiểu thị trường một cách căn cơ và nhất là phải hiểu được khách hàng cần gì, muốn gì. Phải bắt đầu từ những động tác tưởng chừng như nhỏ nhất, giản đơn nhất... để từng bước đạt được mục tiêu đề ra.

NGƯNG TRỆ NGÀNH DU LỊCH

Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc, năm 2019 đã đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 32 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,3% GDP và gián tiếp tới gần 18% GDP.

Năm 2020, toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất mạnh và ngành du lịch là ngành chịu tác động nặng nề nhất.

Có thể nói, chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam đứng trước khó khăn và thử thách lớn như thế, thiệt hại ước tính đã lên tới 23 tỷ USD, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.

Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống.

Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19 trong đó ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%.

Đến cuối năm 2020 du lịch trong nước đã dần hồi phục nhưng mức độ phục hồi rất chậm và rất hạn chế.

 LỐI THOÁT LÀ... NỘI ĐỊA

Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khẳng định chắc chắn phải kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa,  đưa ra những sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng, với từng loại hình riêng.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bày tỏ quan điểm rằng: trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam, thì phát triển du lịch nội địa luôn là lối thoát duy nhất để duy trì hoạt động của ngành.

Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du khách Việt, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt...đều chưa được định hình một cách rõ nét. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chia sẻ đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch nhưng đây cũng là cơ hội để ngành du lịch nhìn nhận, đánh giá lại quá trình phát triển của mình, đặc biệt là việc phát triển du lịch nội địa.

Dưới góc độ là một doanh nghiệp kinh doanh hàng không và lữ hành, bà Nguyễn Lê Hương cho rằng ngành Du lịch Việt Nam cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030,  trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của du lịch.

"Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi và tạo ra nhu cầu mới. Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, dịch vụ mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ cho hàng chục triệu du khách Việt", bà Hương kiến nghị.