10:59 17/02/2009

“Tính trung thực báo cáo tài chính năm chưa được cải thiện”

Ngô Hải

Nhận định về báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết năm 2008 của Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia

"Rất khó để có thể khẳng định các báo cáo tài chính đó minh bạch, rõ ràng hay không vì các doanh nghiệp đều tuân thủ các báo cáo tài chính của Bộ Tài chính".
"Rất khó để có thể khẳng định các báo cáo tài chính đó minh bạch, rõ ràng hay không vì các doanh nghiệp đều tuân thủ các báo cáo tài chính của Bộ Tài chính".
Nhận định về báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết năm 2008 của ông Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS).

Đã có không ít doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính năm 2008. Vậy, ông có nhận định như thế nào về thực trạng chung của báo cáo tài chính doanh nghiệp trong năm 2008?

Tôi thấy có một số điểm nhấn trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết năm 2008.

Thứ nhất, các công ty niêm yết có dính dáng đến đầu tư tài chính trong năm 2008 đều trong tình trạng thua lỗ. Những khoản thua lỗ do đầu tư tài chính đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Thứ hai, trong báo cáo của các công ty niêm yết trong năm 2008 là báo cáo quý 4/2008 rất xấu, dù nhiều doanh nghiệp đến hết tháng 11/2008 đều công bố lãi và hoàn thành kế hoạch nhưng khi ra báo cáo quý 4 thì lại lỗ trong cả quý. Điều này đã làm cho các nhà đầu tư cá nhân cảm thấy bất ngờ và thất vọng.

Nhiều doanh nghiệp đến tháng 11/2008 vẫn công bố có lãi nhưng tính cả quý lại lỗ. Phải chăng không có sự minh bạch trong các báo cáo tài chính này?

Rất khó để có thể khẳng định các báo cáo tài chính đó minh bạch, rõ ràng hay không vì các doanh nghiệp đều tuân thủ các báo cáo tài chính của Bộ Tài chính.

Nhưng vấn đề đang được các nhà đầu tư quan tâm là doanh nghiệp cần phải đưa ra bản báo cáo thuyết phục chứ không phải các bản báo cáo không rõ ràng và thiếu sự minh bạch thông tin.

Trên thực tế, các nhà đầu tư cũng không trách các doanh nghiệp bị thua lỗ trong năm 2008, bởi lẽ trong điều kiện khó khăn như vậy kinh doanh thua lỗ là chuyện đương nhiên.

Vì vậy, các doanh nghiệp nên có cách hành xử cũng như cung cấp thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi gửi gắm niềm tin vào doanh nghiệp. Qua đó sẽ giúp doanh nghiệp dần từng bước vượt qua khó khăn.

Trích dự phòng rủi ro lớn là điều thường thấy trong các báo cáo tài chính năm 2008, nên một số quan điểm cho rằng điều này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư. Vậy quan điểm của ông với vấn đề này như thế nào?

Không thể khẳng định việc trích lập dự phòng rủi ro lớn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.

Bởi lẽ, khi đầu tư vào cổ phiếu một doanh nghiệp nào đó, ngoài việc nhìn nhận lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhà đầu tư còn quan tâm đến tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai.

Vấn đề nhà đầu tư quan tâm đó là sự minh bạch và rõ ràng của các khoản trích lập dự phòng rủi ro và doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với phần vốn góp của nhà đầu tư. Nhà đầu tư có quyền được biết phần vốn của mình được sử dụng có đúng mục đích hay không.

Chuyện thua lỗ trong năm 2008 là điều bình thường, đặc biệt với các doanh nghiệp đầu tư sang lĩnh vực tài chính. Năm 2008 cũng đã có những bài học lớn cho các doanh nghiệp đầu tư trái ngành và đây là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải chú ý đến trong công tác định hướng chiến lược cũng như trong quản lý năm 2009.

Nếu quản lý và điều hành sát với thực tế hơn và tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình thì doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được sự thua lỗ.

Ông có nhìn nhận như thế nào về chất lượng của các báo cáo tài chính năm 2008?

Nếu nhìn về mặt hiệu quả thì báo cáo tài chính năm 2008 kém xa so với năm 2007, tính trung thực cũng không có gì được cải thiện. Tôi cho rằng, đến thời điểm này các nhà đầu tư đã hoàn toàn lường trước được tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp năm 2008.

Vì vậy, khi các báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố sẽ không phải là yếu tố gây sốc cho các nhà đầu tư nữa.

Có nghĩa rằng các nhà đầu tư cá nhân vẫn phải chịu tình trạng không công bằng?

Để khẳng định điều này cũng rất khó, nhưng tôi cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vẫn đang phải chịu thiệt thòi nhiều hơn. Điều này sẽ được cải thiện khi trình độ, nhận thức của nhà đầu tư được nâng lên, qua đó sẽ buộc các công ty phải quan tâm hơn đến các nhà đầu tư này.

Ở góc độ nào đó, tôi cảm nhận thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn phải chịu những bất công về quyền lợi so với các nhà đầu tư lớn có tổ chức.

Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân trong những năm tới, theo ông cần có những giải pháp như thế nào từ cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp?

Để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không những các chủ thể là các doanh nghiệp mà ngay cả các cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường khác phải cùng có trách nhiệm với thị trường.

Đối với cơ quan quản lý, nên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhỏ có những quyền hoàn toàn bình đẳng so với các nhà đầu tư lớn bằng các cơ chế cụ thể và phù hợp hơn. Còn đối với các thành viên khác tham gia thị trường như những công ty chứng khoán, nên tạo điều kiện tốt nhất và những dịch vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Với các công ty niêm yết và công ty cổ phần, nên chuyên nghiệp hóa hoạt động quan hệ với các nhà đầu tư. Có như vậy mới giúp cho thị trường tốt lên, qua đó cũng bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Những khó khăn đã được dự báo trong năm 2009, theo ông ngành nghề nào được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư?

Theo tôi, năm 2009 sẽ có nhiều ngành nghề có cổ phiếu hứa hẹn. Đó là những ngành nghề ít bị tác động bởi khủng hoảng tài chính như các doanh nghiệp liên quan đến dược phẩm, điện, viễn thông, kinh doanh hàng tiêu dùng...