11:31 25/07/2007

Tivi LCD trong cơn lốc giảm giá

Năm năm trước, sắm tivi LCD vẫn là một giấc mơ khó với tới của người tiêu dùng Việt Nam

LCD đang chất trong container thay kho để bán hạ giá.
LCD đang chất trong container thay kho để bán hạ giá.
Năm năm trước, sắm tivi LCD vẫn là một giấc mơ khó với tới của người tiêu dùng Việt Nam. Thì nay, giá đã hạ đến mức phải gọi là “rẻ như khoai”.

Sáng 23/7, sau một hồi tần ngần, vừa xem, vừa nghe nhân viên bán hàng tán về tivi LCD, anh T. quyết định chọn nhãn hiệu Toshiba, dù phải trả thêm gần 3,5 triệu đồng.

“Còn bộ treo thì sao, có về gắn tại Phú Nhuận không?” - anh hỏi nhân viên bán hàng. Khi được khuyên nên gắn thêm bộ treo ở ngoài cho rẻ, anh vội đi về quầy tính tiền, để rớt câu nói lửng lơ của nhân viên đứng bán: “Không biết trong kho còn hàng không để bán tiếp?”.

Cơn lốc xuống giá

Câu nói này hiển nhiên không dành cho anh T., mà nhắm tới các khách hàng đang đứng ngắm. Không riêng gì Nguyễn Kim, các siêu thị Thiên Hoà, iDeas cũng đông khách tập trung ở quầy bán tivi LCD trong sáng 23/7, trong đó không ít là nhân viên công sở cũng tranh thủ “trốn trại”.

Ở tận Quy Nhơn, biết thông tin tivi LCD hạ giá, anh Tùng dành trọn 1 ngày để rảo quanh 4 siêu thị điện máy lớn để đọ giá.

Chỉ vào tờ giấy do anh tự thu thập giá bán, có đủ nhãn hiệu LG, Samsung, Toshiba, Sharp, Panasonic, anh nói: “Tôi chẳng biết giá thật hay là giá khuyến mãi nhưng tôi sẽ mua chiếc Toshiba 32A300E. Rẻ như khoai!”. Mẫu tivi này, giá tại Nguyễn Kim là 13,3 triệu đồng, Thiên Hoà bán giá 13,5 triệu, còn tại iDeas là 14,8 triệu.

Các siêu thị chưa công bố số liệu hàng LCD bán ra trong tháng qua nhưng qua quan sát tại các siêu thị, người quan tâm cũng như người mua thật đã tăng mạnh, trong đó không ít khách hàng đến từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương...

Một khách hàng đến từ thị xã Tân An cho biết: “Nhà tôi chẳng sang trọng gì nhưng mấy lần được xem phim trên những chiếc tivi này, tôi đâm mê. Nay nghe giá rẻ, cũng có tiền dành dụm, tôi quyết định mua một chiếc”.

Năm ngoái, anh Thuận (qun 1, Tp.HCM) mua một chiếc LCD 32 inch không rõ nhãn hiệu (hàng xách tay từ Trung Quốc) với giá 20 triệu đã thấy quá rẻ, nay nghe 32 inch của các hãng danh tiếng như Toshiba, Panasonic mà giá chỉ còn hơn 10 triệu..., anh quyết định mua thêm một chiếc!

Với mức giá các hãng công bố trong giai đoạn này, người dùng gần như bỏ hết ngoài tai những nhược điểm của loại tivi mỏng đến mức thời thượng này.

Đứng nghe nhân viên tư vấn cho anh T. (Phú Nhuận), chủ yếu chỉ thấy nêu các ưu điểm như siêu mỏng, cổng kết nối HDMI, chuẩn HDTV, chứ không nghe nói gì về việc xem truyền hình cáp hay bắt từ antenna hình không rõ, hoặc hình cứ bèn bẹt, như lời chị D., một người phải mua LCD theo yêu cầu của ông xã ở Nha Trang “để xem World Cup cho thích mắt”.

Dẫu vậy, nói như người khách ở Bình Dương: “Mà xem truyền hình không tốt thì tôi để dành xem đĩa”, thì có lẽ chẳng cần giải thích gì thêm.

“VIP” của một thời

Năm 2001, LG là hãng đầu tiên giới thiệu với người tiêu dùng Việt Nam về TV Plasma. Ba năm sau, các hãng như Panasonic, Sony, Samsung cũng đưa vào Việt Nam các mẫu tivi LCD.

Thời đó, người tiêu dùng Việt Nam chỉ dừng ở mức độ xem-ngắm-bình luận chứ ít ai có cơ hội sở hữu một chiếc. Bởi giá một tivi 15 inch của LG lúc đó là 12 triệu đồng. Còn các mẫu 32 inch của Samsung, LG, Panasonic gấp 4 lần.

Giá cao, nhưng công nghệ thời đó, chỉ cho các thông số cơ bản như độ tương phản 600:1, độ sáng 500 cd/m 2 , với góc nhìn 170 độ. So với bây giờ, độ tương phản công bố lên tới 10.000:1 hoặc 15.000:1, góc nhìn 178 độ, mà giá lại rẻ.

Theo ông Thanh Dũng, phó giám đốc kỹ thuật Công ty điện tử Việt Hoa – địa chỉ đầu tiên ở TP.HCM nhận sửa tivi LCD, cung cấp thêm thông tin: đến năm 2004, công ty mới sửa những chiếc tivi LCD đầu tiên, chủ yếu là hàng xách tay xài hệ NTSC.

Ông Dũng chia sẻ: “Lúc đó tôi nghĩ rằng, có ngày thị trường mình cũng tràn ngập tivi LCD với giá chấp nhận được. Ngày đó đã đến nhưng chậm quá”.

Sự chậm trễ này trong lời nhận xét của ông Dũng, chủ yếu là do thu nhập và do công nghệ phát hình. Khi người Việt Nam được ngắm tivi Plasma, thì đó là lúc vị thế tivi LCD trên thế giới bắt kịp tivi công nghệ ống phóng điện tử (CRT).

Từ năm 2001 đến nay, loại tivi tinh thể lỏng này ngày càng phát triển. Xét theo vòng đời công nghệ, tivi LCD đã qua giai đoạn hình thành, phát triển và nay tới giai đoạn trưởng thành. Đây cũng là thời điểm mà giá tivi giảm dần đều.

Cùng với tốc độ giảm dần của giá, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng nhanh, cũng như kích thước tivi chuẩn cũng tăng. Điều này cũng tương tự như bước nhảy vọt từ tivi màu 14 inch đa hệ xuất hiện ở Việt Nam cuối thập niên 1980 lên tivi 21 inch vào những năm 2000.

So với người anh em tivi màu CRT, thì tốc độ tăng kích thước của tivi LCD nhanh hơn nhiều. Mất gần 20 năm, để tivi màu đèn hình từ 14 inch lên 21 inch, thì tivi LCD chỉ mất có 2 năm để nhảy từ 32 inch lên 42 inch.

Một chuyên viên kỹ thuật về màn hình LCD của trung tâm bảo hành Việt Hoa nhận định: “Tôi ngờ rằng có thể đây là những model cuối cùng của kích thước 32 inch trước khi các hãng tập trung sản xuất tivi có kích thước lớn hơn”.

Tiến thoái lưỡng nan

Bên cạnh đó, theo các hãng sản xuất tivi LCD, công nghệ sản xuất các loại linh kiện chính cho tivi LCD như panel, bo mạch... đã hoàn chỉnh, tỷ lệ hao hụt thấp nên giá thành linh kiện vì thế cũng giảm theo, sản phẩm cuối cùng cũng vì thế mà hạ.

Ở thế giới, ngoài việc hạ giá theo vòng đời công nghệ, các nhà sản xuất LCD cũng phải dè chừng những anh đang ngấp nghé như màn hình công nghệ phát quang hữu cơ (OLED), Plasma hay công nghệ kết hợp giữa OLED và LCD.

Riêng ở Việt Nam, các nhà sản xuất cũng khá lúng túng khi công nghệ phát hình tại Việt Nam vẫn dậm chân tại vị trí “analog”. Cho nên tính ưu việt của tivi LCD như độ nét cao chỉ phát huy khi xem DVD đúng chuẩn độ nét cao. Mà ứng dụng này lại phụ thuộc đầu phát.

Trong khi chờ cuộc chiến định dạng giữa Bluray và HD-DVD kết thúc, người tiêu dùng phải chấp nhận dùng các đầu phát “biến hình” (upscale) nâng chuẩn hình ảnh lên độ nét cao để dùng tạm.

Trong thời gian tới, theo dự báo, cuộc chiến về giá giữa các hãng lớn tập trung ở dòng tivi 42 inch trở lên. Ai sẽ giúp các hãng thu lời từ thị trường LCD?