16:05 23/06/2009

“To mới tốt” ở Trung Quốc

Mai Phương

Ở Thượng Hải, các mỹ viện đang lên như diều gặp gió nhờ các loại dịch vụ căng mắt, nâng mũi, nâng ngực

Thanh niên Trung Quốc tại một hội chợ việc làm. Sinh viên ra trường ở Trung Quốc năm nay sẽ phải đối mặt với tình hình thị trường việc làm khắc nghiệt nhất trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh: Daylife.
Thanh niên Trung Quốc tại một hội chợ việc làm. Sinh viên ra trường ở Trung Quốc năm nay sẽ phải đối mặt với tình hình thị trường việc làm khắc nghiệt nhất trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh: Daylife.
Mắt to, mũi cao, ngực bự, và gần đây nhất là những chiếc Hummer kềnh càng..., người Trung Quốc có vẻ như đang mang trong mình một nỗi ám ảnh về kích thước.

Ở Thượng Hải, các mỹ viện đang lên như diều gặp gió nhờ các loại dịch vụ căng mắt, nâng mũi, nâng ngực và các loại hình phẫu thuật khác… Mục đích của các khách hàng tới gõ cửa mỹ viện đa phần là nhằm cải thiện kích thước “cửa sổ tâm hồn” khiêm tốn, những chiếc mũi tẹt và bộ ngực kém nở nang điển hình của người châu Á.

Tại Bệnh viện Phẫu thuật thẩm Mỹ Thượng Hải, bác sỹ Liao Yuhua cho biết, số khách hàng tới làm dịch vụ phẫu thuật nhằm nâng cấp vẻ bề ngoài từ cuối năm ngoái tới nay đã tăng 40%. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu chẳng gây tác động tiêu cực gì với ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở đây, mà trái lại, càng giúp lĩnh vực này thêm phất.

Bác sỹ Liao tiết lộ, một nửa khách hàng của bà tới phẫu thuật vì lý do liên quan tới công ăn việc làm. “Nhiều khách hàng của tôi là dân văn phòng. Không ít người trong số họ đã mất việc nên có thời gian để hiện thực hóa giấc mơ phẫu thuật thẩm mỹ. Họ muốn nâng sức cạnh tranh trong những cuộc phỏng vấn tìm việc tiếp theo”, bà Liao nói. Vị bác sỹ này cho biết thêm, các bậc phụ huynh Trung Quốc đang rất ủng hộ xu thế này.

Nhiều ông bố bà mẹ vì thế đã đưa con tới hẹn gặp bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ ngay sau kỳ thi đại học đầy căng thẳng ở Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng 6 này. “Cha mẹ muốn con họ có lợi thế hơn khi tìm kiếm công ăn việc làm”, bà Liao cho biết. Bà thậm chí cũng thú nhận rằng, với tư cách là một nhà tuyển dụng, bà thích “tuyển một y tá có ngoại hình xinh xắn hơn trong trường hợp phải lựa chọn giữa hai ứng viên có cùng năng lực”.

Sinh viên ra trường ở Trung Quốc năm nay sẽ phải đối mặt với tình hình thị trường việc làm khắc nghiệt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Phụ nữ - đối tượng chiếm 3/4 trong số khách hàng của bác sỹ Liao - đặc biệt khó tìm việc.

Theo một cuộc điều tra mới đây của Trung tâm Luật pháp và Dịch vụ nữ giới thuộc Đại học Bắc Kinh, cứ 4 phụ nữ được hỏi thì có 1 người cho biết, họ thất bại khi tìm việc làm vì lý do giới tính, 1/5 số phụ nữ được hỏi cho biết họ bị giảm lương khi mang thai, 11% cho hay họ mất việc nếu lập gia đình.

Bác sỹ Liao cho biết, phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ 15% mỗi năm kể từ khi trào lưu này bắt đầu nổi lên tại đây 5 năm về trước.

Không chỉ ở Trung Quốc, tại nhiều nước khác trên thế giới cũng đang diễn ra xu hướng dùng thu nhập khả dụng để phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí coi đây là một chi phí phát triển sự nghiệp.

Theo Hiệp hội Các nhà phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, năm ngoái, tại nước này, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ gia tăng ở mọi nhóm chủng tộc. Tuy nhiên, độ tuổi khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như bộ phận mà họ muốn phẫu thuật, tại các quốc gia từ Mỹ sang Á là không giống nhau.

Tại bệnh viện của bác sỹ Liao, hai loại dịch vụ được ưa chuộng nhất là cắt mí mắt để mắt một mí thành hai mí và trông to hơn, và nâng mũi bằng sụn lấy từ xương sườn của chính khách hàng.

“Người phương Đông thích mắt to và mũi cao, vốn là những thứ mà bẩm sinh họ không có”, bà Liao nói. Trong khi đó, trên thực tế, người Trung Quốc vẫn gọi dân phương Tây là “mũi to” (tất nhiên không phải với ý khen ngợi gì)! Khách hàng của bà Liao đa phần trong độ tuổi 25-35, trong khi đó, một nửa số người phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ có độ tuổi từ 40-55.

Chi phí cho một ca cải thiện kích thước mắt tại bệnh viện của bác sỹ Liao có giá tương đối rẻ, chỉ khoảng 2.400 Nhân dân tệ (350 USD), trong khi một ca nâng ngực có giá tới 60.000 Nhân dân tệ (và khách hàng phải “hi sinh” một phần cơ đùi).

Cô Zhou Jin Feng là một khách hàng trước đây đã rất hài lòng với dịch vụ chữa trứng cá tại bệnh viện của bác sỹ Liao. Lần này cô y tá này tới để cắt mí mắt và chỉnh sửa cằm cho thon gọn hơn. “Thanh niên thời nay muốn mình xinh đẹp. Vẻ bề ngoài có ý nghĩa quan trọng để họ yêu quý bản thân, nhưng cái chính là giúp ích khi họ tìm việc làm”, cô Zhou nói.

Bác sỹ Liao cho biết, nhiều khách hàng của bà là bác sỹ, y tá hoặc giáo viên. “Hình thức bên ngoài rất quan trọng khi giao tiếp trong những nghề nghiệp như vậy”, bà Liao nói.

Vị bác sỹ này còn nhớ, ở thời điểm khi khách hàng đầu tiên tới đề nghị phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện của bà, dịch vụ này còn bị xem là biểu hiện của lối sống tư sản. Nhưng giờ đây, bà cho rằng, đây là một hiệu ứng của sự giàu có.

“Khi những nhu cầu cơ bản như nhà, xe, thức ăn… đã được đáp ứng, thì tiền thừa ra chúng ta sẽ làm gì? Hãy chi vào việc làm đẹp”, bà Liao nói.

(Theo Financial Times)