Tố Mỹ “không chân thành”, Trung Quốc thề áp thuế trả đũa
Tuy nhiên, kế hoạch đánh thuế mới nhất của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc cho thấy hai bên có vẻ đang thăm dò nhau
Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả đũa kế hoạch của Washington về áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong một thế giới thương mại tự do - Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/9 tuyên bố.
Theo tin từ CNBC, tuyên bố trên không đưa ra thời gian hay chi tiết cụ thể của việc trả đũa, nhưng đổ lỗi cho Mỹ gây ra sự bấp bênh cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Mỹ khăng khăng tăng thuế, gây ra sự bấp bênh mới trong công tác tham vấn giữa hai bên. Hy vọng là Mỹ sẽ nhận ra hậu quả tiêu cực tiềm tàng của những hành động như vậy và có các biện pháp thuyết phục để khắc phục đúng lúc những hậu quả đó", tuyên bố có đoạn viết.
Trong một tuyên bố khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18/9 nói Mỹ "không chân thành" và đàm phán bình đẳng là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.
Trong một buổi họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói nước này không thể chấp nhận những hành động thương mại đơn phương của Mỹ.
Trước đó, vào ngày 17/9, ông Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm. Từ năm 2019, mức thuế bổ sung đối với số hàng hóa này sẽ tự động tăng lên 25%. Ngoài ra, Mỹ dọa sẽ áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa nếu Bắc Kinh có hành động đáp trả.
Hiện tại, Mỹ đã áp thuế bổ sung 25% lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng thuế tương tự đối với 50 tỷ USD hàng Mỹ.
Theo nhận định của một số chuyên gia, kế hoạch đánh thuế mới nhất của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc cho thấy hai bên có vẻ đang thăm dò nhau.
Ông Trump không triển khai việc áp thuế ngay như lần trước, mà để 1 tuần sau mới chính thức tăng thuế. Đồng thời, ông cũng không sử dụng ngày mức 25% mà áp dụng mức tăng 10% trước. Có vẻ như nhà lãnh đạo Mỹ đang cho Trung Quốc thêm thời gian để cân nhắc và đi đến sự nhượng bộ.
Về phần mình, sự phản ứng của Trung Quốc lần này cũng khá kiềm chế, bởi họ không đưa ra một kế hoạch trả đũa rõ ràng. Trung Quốc chưa hề tuyên bố hủy kế hoạch vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ - dự kiến diễn ra vài ngày tới.
Nếu diễn ra, vòng đàm phán thương mại lần thứ 5 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra ở Washington và sẽ được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á, bao gồm Trung Quốc, vẫn tăng điểm trong phiên hôm nay, bất chấp bước leo thang mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 1,4%; Kospi của Hàn Quốc tăng 0,3%; Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,6%; Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục tăng hơn 1,8%.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chứng khoán Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất 4 năm do lo ngại về kế hoạch đánh thuế của Mỹ.