17:16 29/06/2023

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Nghệ An không như kỳ vọng

Nguyễn Thuấn

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Nghệ An, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 725 triệu USD, tăng 1,32 lần so với cùng kỳ và xếp thứ 8 toàn quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP của Nghệ An chưa đạt kịch bản đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022...

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Đánh giá về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhận định tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An trong 6 tháng đầu năm bị tác động do thị trường xuất khẩu thu hẹp, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh tăng chậm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Nghệ An ước đạt 5,79%, cao hơn bình quân cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,31%; khu vực dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,24%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 1,79%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.086,8 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 669,3 triệu USD. Lượng khách du lịch ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện gần 8.500 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu từ nội địa đạt gần 7.860 tỷ đồng, bằng 53,9% so với dự toán HĐND tỉnh và 82 % so với cùng kỳ năm 2022. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất và xổ số thì số thu nội địa đạt gần 5.560 tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán HĐND tỉnh giao và 88,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, khoản thu lớn nhất thuộc về khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh với 2.535 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 2.284 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 522 tỷ đồng; lệ phí trước bạ 470 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 630,6 tỷ đồng. Có 12/21 huyện, thị thu ngân sách vượt tỷ lệ 50% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó một số đơn vị như: Đô Lương, Tương Dương, Quế Phong, Tân Kỳ đạt tỷ lệ cao.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, chi ngân sách ước Nghệ An đạt khoảng 16.862 tỷ đồng, bằng 50,8% so với dự toán; trong đó chi cho đầu tư phát triển là 5.590 tỷ đồng; chi thường xuyên là 11.102,4 tỷ đồng; chi dự phòng ngân sách địa phương 163,96 tỷ đồng...

6 tháng qua, toàn tỉnh Nghệ An cũng đã cấp mới 65 dự án và điều chỉnh 81 lượt dự án trong thu hút đầu tư với tổng số vốn gần 22.190 tỷ đồng. Đặc biệt, thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 725 triệu USD, tăng 1,32 lần so với cùng kỳ và xếp thứ 8 toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân trên 2.682 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch.

Tại cuộc họp đánh giá chung cho thấy, thì tốc độ tăng trưởng GRDP của Nghệ An chưa đạt kịch bản đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp và có xu hướng tăng chậm lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ, thu sách nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân đầu tư công mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, ngoài các yếu tố khách quan về kinh tế thì một yếu tố chủ quan cũng có tác động không nhỏ là nắng nóng gay gắt kéo dài, tình trạng thiếu điện, thiếu nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Mặc dù không đạt được mục tiêu kịch bản đề ra nhưng kết quả đạt được là khá tích cực. Trong đó điểm sáng tích cực chính là thu hút đầu tư.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu còn lại của 6 tháng cuối năm 2023, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tích cực, chủ động, rà soát, nắm sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh theo từng ngành, từng lĩnh vực, địa bàn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giải quyết những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Trong 6 tháng còn lại, tỉnh phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, tối thiểu là 10% trong khi bối cảnh chung còn nhiều khó khăn.

UBND tỉnh Nghệ An không đề nghị điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu mà sẽ đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành nghị quyết HĐND tỉnh giao của năm 2023. Trong 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt 10 nhiệm vụ Sở Kế hoạch & Đầu tư đã đề ra trong báo cáo, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành tích cực, chủ động rà soát, nắm sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh từng ngành, lĩnh vực, từng địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Trong đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất nông nghiệp, chủ động lường trước những vấn đề khó khăn trong sản xuất, nhất là ảnh hưởng của thời tiết và có phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt việc chống hạn, điều tiết nước.

Ngành Công thương tiếp tục rà soát phương án trong sản xuất công nghiệp, cùng với các ngành làm việc với các nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư để hỗ trợ tối đa các thủ tục về mặt pháp lý, tạo điều kiện để các dự án vận hành, đi vào sản xuất, góp phần vào tăng trưởng của tỉnh.