10:21 10/09/2007

“Tôi chỉ là bạn đồng hành của doanh nhân”

Đã nghỉ hưu, nhưng bà Phạm Chi Lan vẫn miệt mài lao động, đọc sách, tham gia các dự án nghiên cứu

"Thực tâm tôi tin rằng tôi cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé, một người bạn đồng hành lâu nay vẫn đi cùng với họ thôi. Điều hạnh phúc nhất là tôi cảm nhận được mình được họ tin, quý và sẵn sàng chia sẻ".
"Thực tâm tôi tin rằng tôi cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé, một người bạn đồng hành lâu nay vẫn đi cùng với họ thôi. Điều hạnh phúc nhất là tôi cảm nhận được mình được họ tin, quý và sẵn sàng chia sẻ".
Đã nghỉ hưu, nhưng bà Phạm Chi Lan vẫn miệt mài lao động, đọc sách, tham gia các dự án nghiên cứu.

Trước đó, bà đã có ba mươi bảy năm gắn bó với ngành thương mại, rồi làm Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ba năm ở trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.

Người phụ nữ mảnh mai ngoài lục tuần vẫn duy trì đều đặn lịch làm việc từ 8-10 giờ mỗi ngày, các hội thảo kinh tế, thương mại lớn luôn thấy bà xuất hiện với tư cách một chuyên gia kinh tế nhiều kinh nghiệm. Bà cũng là người bạn đồng hành sát cánh với giới doanh nhân, sẵn sàng tư vấn, chia sẻ với họ những lời khuyên, kinh nghiệm.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với bà Phạm Chi Lan diễn ra trong một buổi chiều muộn tại căn nhà riêng của bà, sau khi bà vừa trở về từ một cuộc họp. Giữa không gian thoáng đãng dịu mát màu xanh của thiên nhiên, bà đã mở lòng mình, thật giản dị và gần gũi…

Một ngày làm việc dài như thế mà thật ngạc nhiên là bà chẳng có vẻ mệt mỏi gì. Đã hơn 60 tuổi, bí quyết nào giúp bà giữ được sự bền bỉ, dẻo dai?

Tôi không có bí quyết nào, chỉ đơn giản là làm việc với lòng say mê, và tôi cũng quen với cường độ làm việc cao từ hồi còn công tác ở VCCI. Về hưu, mình có thể chủ động hơn để sắp xếp thời gian, dành cho gia đình, công việc, rồi chuyện bếp núc. Làm việc đều đặn, tổ chức công việc một cách khoa học là cách giữ sức khỏe tốt.

Say mê công việc, hết lòng vì sự phát triển của doanh nhân Việt Nam, bà là người có nhiều điều kiện tiếp xúc, trò chuyện và hiểu rõ họ, trong mắt bà, bức tranh về giới doanh nhân được phác họa như thế nào? Họ đã được xã hội nhìn nhận đúng hay chưa?

Tôi nghĩ có lẽ một trong những thành tựu lớn chúng ta đạt được trong những năm gần đây qua công cuộc đổi mới, cải cách kinh tế là hình thành nên một đội ngũ doanh nhân mới. Trên thực tế, khi nói tới những thành tựu của Việt Nam, chúng ta hay đề cập đến lĩnh vực kinh tế nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là yếu tố con người.

Chính đội ngũ doanh nhân mới này, tuy chưa được đề cập đến nhiều, vai trò của họ chưa được đánh giá đúng mức, xã hội cũng chưa tôn vinh họ đúng mức và cả Nhà nước có lẽ cũng chưa nhìn nhận đúng mức vai trò của họ, nhưng đóng góp thực tế của tầng lớp này là hết sức to lớn. Đây chính là lực lượng quan trọng để Việt Nam có thể đi tiếp trong thời gian tới.

Nếu như trong những năm vừa qua, trong quá trình phát triển, Nhà nước vẫn có vai trò rất lớn vì đó là người tạo ra khuôn khổ cho sự cải cách và phát triển của Việt Nam và trong thời gian tới, nhà nước vẫn là người “cầm cương” sự phát triển chung của nền kinh tế, thì bên cạnh đó, đặc biệt, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ có vai trò quan trọng hàng đầu để đưa đất nước tiến lên.

Một điều đáng mừng là mặc dù trải qua rất nhiều gian truân, chìm nổi, khó khăn bộn bề nhưng tầng lớp này đã phát triển lớn mạnh và thực sự vững vàng.

Hoạt động của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Một Chính phủ thực sự cho nền kinh tế thị trường, trước hết phải biết lắng nghe và thấu hiểu những nhu cầu, nguyện vọng và khó khăn của giới doanh nhân, từ đó ban hành các chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho họ. Ở góc độ này, bà đánh giá Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình chưa?

Tôi nghĩ rằng, bản thân Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, đặc biệt chúng ta có những người đứng đầu Chính phủ hiểu về tầm quan trọng của tầng lớp doanh nhân, từ thời các nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 10 năm trên cương vị của ông đã nói rằng hai tầng lớp ông luôn coi trọng hàng đầu là nông dân và doanh nhân. Với quan điểm như vậy, ông đã có những chính sách tạo điều kiện cho việc kinh doanh của các doanh nhân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất hiểu vị trí của giới doanh nhân và ông đã có những cố gắng rất lớn để cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của Chính phủ, mặc dù phải ghi nhận là rất đáng kể để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhìn vào môi trường kinh doanh hiện nay, bên cạnh những thành tích trong việc cải thiện thì vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi Chính phủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Đi các nước xung quanh, phải nói thật là tôi rất thèm môi trường kinh doanh của họ. Nếu nước ta xây dựng được môi trường kinh doanh như ở Thái Lan, Malaysia thì chắc chắn tầng lớp doanh nhân Việt Nam còn làm được hơn rất nhiều so với doanh nhân các nước bạn.

Tuy đã có một số chuyển biến, nhưng phải thừa nhận rằng môi trường kinh doanh ở nước ta chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, vấn nạn giấy phép con…?

Khi niềm tin vào tầng lớp doanh nhân chưa nhiều thì chúng ta vẫn còn rất nhiều công cụ của Nhà nước để hạn chế, kiểm soát thị trường và giấy phép con là một trong những điển hình. Đây là công cụ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, đối với Nhà nước đó cũng là công cụ ít hiệu quả nhất vì nó làm méo mó, tăng thêm gánh nặng cho nền hành chính.

Nó cũng tạo ra quyền lực rất lớn cho công chức làm ở những cấp thấp mà quản lý những công việc cụ thể nhưng lại không giúp cho những người quản lý ở tầm vĩ mô được bao nhiêu.

Nếu nói về cấp cao hơn, bản thân Chính phủ cũng không thể dựa vào hệ thống giấy phép con đó để quản lý thị trường, quản lý xã hội. Trong khi những người quản lý ở cấp thấp trong bộ máy chính quyền lại không thật hiểu việc, không có kỹ năng cao và gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường.

Vậy, chính quyền với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất, phải làm gì để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp làm giàu cho bản thân họ và đất nước?

Ở nhiều nước, công thức PPP (public private partnership), tức là mô hình cộng tác giữa chính quyền và khu vực tư nhân, rất phổ biến. Đấy chính là cách xử lý các mối quan hệ. Chính quyền có vai trò hết sức to lớn trong việc quản lý vĩ mô, không ai thay thế được chính quyền.

Hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không hề làm cho vai trò của chính quyền giảm đi, thậm chí còn làm cho vai trò này tăng lên trong việc kiểm soát vĩ mô và cầm cương để nền kinh tế có thể phát triển tốt.

Đồng thời, chính quyền cũng phải nhận thức được rằng tự mình không thể làm hết mọi việc cho nên phải có sự phân quyền, giao bớt việc cho khu vực tư nhân làm, đặc biệt là trong việc kinh doanh, hay cung cấp những dịch vụ cụ thể ra xã hội. Chính vì vậy, trong quan hệ này, cách tốt nhất để chính quyền làm việc được và đảm đương nhiệm vụ của mình là cộng tác tốt với xã hội.

Trong lĩnh vực kinh doanh thì hợp tác với tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp để thường xuyên tham vấn ý kiến của họ, lắng nghe họ và cùng bàn bạc để đưa ra cách giải quyết vấn đề. Làm được điều này, chính quyền sẽ hoạt động tốt, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và giữ được vai trò của mình, mặt khác cũng phát huy được nguồn lực của giới doanh nhân trong xã hội.

Khi Chính phủ thực sự tham vấn, thực sự lắng nghe thì các doanh nhân, doanh nghiệp bao giờ cũng sẵn sàng chia sẻ lại và cung cấp cho Nhà nước những thông tin, ý kiến, phản hồi và gợi ý cho Nhà nước cách tốt nhất để có thể làm cho thị trường và nền kinh tế phát triển, mang lại lợi ích chung cho đất nước.

Chính phủ đã thực sự lắng nghe, tham vấn ý kiến của những người làm kinh doanh chưa, thưa bà? Từ những ý kiến đó, Chính phủ đã cụ thể hóa thành hành động để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp chưa?

Nếu tính theo tiêu chí những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc hay hỏi ý kiến doanh nghiệp để góp ý kiến vào quá trình xây dựng một số luật pháp, chính sách của chúng ta thì đã hơn 10 năm nay chúng ta đã phát triển cơ chế PPP. Người đầu tiên có sáng kiến tiến hành cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và các doanh nhân và sau đó trở thành cuộc gặp thường niên chính là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Khi ông bắt đầu lên cầm quyền năm 1997, một trong những việc làm đầu tiên của ông với tư cách người đứng đầu Chính phủ là tổ chức cuộc gặp gỡ với giới doanh nghiệp. Từ cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp thì các bộ, ngành, địa phương cũng theo cách đó để tổ chức những cuộc đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp.

Từ năm 2000 đến nay, sau khi Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống năm 1999, nguyên Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan Nhà nước phải tham vấn ý kiến của doanh nghiệp trước khi đưa ra các đề xuất về những văn bản pháp quy quan trọng và các cơ quan cũng đã tiến hành theo hướng đó. Nghĩa là chúng ta đã có hệ thống tham vấn tương đối rộng rãi.

Nhưng vấn đề chính là như thế này. Trong khi tham vấn doanh nghiệp, có những nơi, cơ quan Nhà nước có thái độ rất nghiêm túc, thực sự cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, nhưng có không ít cơ quan vẫn tham vấn theo kiểu hình thức, làm lấy lệ để được tiếng là đã làm tuy thực tế họ không thực sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến doanh nghiệp. Do đó, kết quả của những cuộc tham vấn đó bị hạn chế đáng kể. Hệ quả là sự cộng tác giữa cơ quan Nhà nước và khu vực tư nhân vẫn chưa tốt như chúng ta mong muốn.

Minh chứng cho thực trạng này là gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp đã diễn ra được 10 năm nay rồi, nhưng vẫn có một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để, thấu đáo.

Ví dụ, những thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan,… vẫn tồn tại, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nói họ cảm thấy hệ thống hành chính còn phức tạp, cồng kềnh và khó khăn hơn chứ không phải đơn giản đi. Cơ chế một cửa nhưng nhiều khóa, một dấu thì doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu để xin dấu…

Không thể tính số lượng các cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp mà phải lấy hành động cụ thể của cơ quan Nhà nước làm thước đo cho sự lắng nghe, tham vấn của họ.

Tại các nước phát triển trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Bà nhận xét gì về vai trò của khu vực này ở nước ta hiện nay?

Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Việt Nam và không ai có thể phủ nhận được. Trong việc tạo ra công ăn việc làm, khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn nhất cho đất nước. Chúng ta thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999, từ năm 2000 đến nay, hơn 90% việc làm mới đã được tạo ra trong khu vực kinh tế năng động này.

Khu vực tư nhân bao gồm cả những doanh nghiệp mới được hình thành tương đối dễ dàng, thuận tiện do kết quả của Luật Doanh nghiệp, lẫn những doanh nghiệp đã thành lập trước đó nhưng bây giờ họ mới có điều kiện mở mang thêm những ngành nghề mới cho lao động đến từ nhiều địa phương trên cả nước.

Đây chính là thành quả to lớn của Luật Doanh nghiệp và cũng là sự đóng góp lớn lao của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta. Nếu xét trên những tiêu chí khác, ví dụ, đóng góp vào GDP, tỷ lệ đầu tư trong nước, các ngành công nghiệp, xuất khẩu,… thì tỷ trọng kinh tế tư nhân của Việt Nam chưa bằng được các khu vực khác, như doanh nghiệp Nhà nước hay so với khu vực kinh tế tư nhân ở các nước khu vực.

Điều này thực ra rất dễ hiểu vì hạn chế rất cơ bản của kinh tế tư nhân trong việc đóng góp cho nền kinh tế chính là khả năng tiếp cận các nguồn lực của họ còn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố. Việt Nam có rất nhiều thứ vẫn thuộc về sở hữu Nhà nước, mà Nhà nước lại phân bổ nhiều hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng, như đất đai chẳng hạn.

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu, trong khi nước ta đã gia nhập WTO và sự cạnh tranh chắc chắn sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Bà nghĩ sao về điều này?

Việt Nam phải tiến hành mở cửa dần thị trường theo những cam kết khi vào WTO. Rõ ràng, việc mở cửa sẽ dẫn đến sự cạnh tranh nhiều hơn. Nhưng hãy nhìn sự việc này ở khía cạnh tích cực chứ không nên lo lắng quá.

Bản thân cạnh tranh cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp Việt Nam, cả khu vực tư nhân lẫn Nhà nước, phát triển mạnh mẽ hơn. Môi trường kinh doanh, vì thế, sẽ được cải thiện, tạo một sân chơi bình đẳng dựa trên các luật lệ để tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển. Doanh nghiệp nào mạnh sẽ chiến thắng và ngược lại.

Cạnh tranh sẽ buộc tất cả các loại hình doanh nghiệp phải đổi mới, phải vượt lên chính mình. Không có cách nào khác. Không có sự bảo hộ hay ưu đãi nào có thể giúp được doanh nghiệp.

Bà luôn theo sát giới doanh nhân trong suốt sự nghiệp của mình và có nhiều lời khuyên quý báu dành cho họ. Bà kỳ vọng gì vào doanh nhân Việt Nam? Ước mơ lớn nhất của bà?

Ước mơ lớn nhất của tôi là chúng ta sớm hoàn thiện thể chế thị trường, có được một môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh và mang tính chất mở để cho mọi doanh nhân và mọi người dân đều có quyền kinh doanh bình đẳng, góp phần tạo nên một đội ngũ doanh nhân mạnh về chất lượng và đông đảo về số lượng. Xã hội nào càng có đội ngũ doanh nhân đông đảo, mạnh mẽ bao nhiêu thì xã hội đó càng phát triển bấy nhiêu.

Nhìn vào giới doanh nhân hiện nay, tôi thực sự rất kỳ vọng vào tương lai đất nước. Họ trẻ trung, tài giỏi, dám nghĩ dám làm, năng động, dù phải đối mặt với nhiều thách thức song họ đang đứng trước những cơ hội to lớn chưa từng thấy.

Tôi có niềm tin vô cùng to lớn vào đội ngũ doanh nhân nước ta, vì nhìn vào tất cả những khó khăn mà họ đã vượt qua, có thể tin chắc rằng họ sẽ làm tốt hơn nhiều lần hiện nay nếu chúng ta tạo ra một môi trường tốt hơn cho họ.

Nếu có một doanh nhân tìm đến xin lời khuyên của bà, bà sẽ khuyên họ điều gì?

Tôi sẽ khuyên họ hai điều. Thứ nhất, phải biết liên kết chặt chẽ vì chỉ có liên kết và hợp tác mới có thể thành công được. Thứ hai, phải biết sáng tạo, nghĩ ra những sáng kiến mới, làm những điều chưa ai làm, khai phá những thị trường mới chưa có người mở. Chọn cho mình một con đường và dũng cảm theo đến cùng bất chấp mọi khó khăn. Đấy chính là một phẩm chất ở doanh nhân hiện đại.

Nhiều người nói rằng, tiếng nói của bà có ảnh hưởng rất lớn đến giới doanh nhân…?

Thực tâm tôi tin rằng tôi cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé, một người bạn đồng hành lâu nay vẫn đi cùng với họ thôi. Điều hạnh phúc nhất là tôi cảm nhận được mình được họ tin, quý và sẵn sàng chia sẻ.

Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng cảm thấy mình sẽ phải làm nhiều việc hơn cho họ và những đóng góp của mình vẫn còn nhỏ bé lắm vì còn biết bao người khác đóng góp nhiều hơn tôi. Tôi không nghĩ rằng mình làm được điều gì to tát cả. Cái vui nhất là tôi coi đó là sự nghiệp suốt đời mình và có lẽ tôi là một trong số ít người theo đuổi đến cùng mục đích của mình.

Làm việc với nhiều chuyên gia kinh tế giỏi của nước ngoài cũng tạo cho bà nguồn động lực to lớn để làm việc?

Quả thực, có cơ hội tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài, tôi càng thấy mình phải nỗ lực hơn để có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Đất nước ta còn nghèo quá, ra bên ngoài, sự khác biệt càng rõ hơn. Tôi làm việc cũng vì động lực này.

Ngoài công việc xem ra cũng rất nặng nề, bà nghỉ ngơi ra sao?

Tất nhiên, tôi không chỉ biết có công việc (cười), mà vẫn là một người yêu thích nội trợ. Tôi sắp xếp công việc để dành thời gian chơi với ba đứa cháu nội, rồi đọc sách, đi xem triển lãm tranh, nghe nhạc. Buổi sáng tôi đưa cháu đi học. Thỉnh thoảng đi du lịch.