07:20 17/12/2010

Tổng giám đốc SHB: “Tuyệt đối không tin khoản tiền lớn như vậy”

Minh Đức

Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nói về vụ “gửi tiết kiệm” 10.000 tỷ đồng tại chi nhánh Khánh Hòa

SHB đã đình chỉ chức vụ của Giám đốc SHB Khánh Hòa cùng các nhân viên liên quan, cử người thay thế và đảm bảo hoạt động bình thường ở chi nhánh này.
SHB đã đình chỉ chức vụ của Giám đốc SHB Khánh Hòa cùng các nhân viên liên quan, cử người thay thế và đảm bảo hoạt động bình thường ở chi nhánh này.
Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nói về vụ “gửi tiết kiệm” 10.000 tỷ đồng tại chi nhánh Khánh Hòa.

Ngày 16/12, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, chính thức đưa ra những quan điểm và việc xử lý liên quan đến vụ một cá nhân chào mời “gửi tiết kiệm” tới 10.000 tỷ đồng và hai cán bộ ngân hàng cấu kết với nhau thực hiện phát hành khống sổ tiết kiệm cho khách hàng.

Bên cạnh thông tin sự việc và hướng xử lý đưa ra trước đó, ông Lê cho biết: “Từ năm 2008, tôi và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đỗ Quang Hiển đã từng gặp nhiều người chào mời có khoản tiền lớn, từ nước ngoài gửi về, hợp tác làm ăn với nước ngoài… muốn được gửi tiết kiệm tại SHB do chưa có nhu cầu đầu tư, sử dụng. Tuy nhiên chúng tôi tuyệt đối không tin lại có những khoản tiền mặt lớn cỡ 500 tỷ, 1.000 tỷ hay cả 10.000 tỷ đồng như thế. Bởi vậy, ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã bằng nhiều cách - gửi văn bản, gửi email, thông báo nghiệp vụ - cảnh báo đến toàn hệ thống, yêu cầu cán bộ, nhân viên trong hệ thống thận trọng trong giao tiếp với khách hàng”.

Cũng theo Tổng giám đốc SHB, đặc điểm chung của những vụ việc như thế này là khoản tiền gửi có giá trị rất lớn, người gửi muốn gửi trong thời hạn dài với lãi suất rất thấp nhưng lại đòi hỏi trích thưởng hoa hồng rất cao.

Trong vụ việc trên, ông Trương Ngọc Nguyên, Giám đốc SHB Khánh Hòa, đã có báo cáo ra hội sở và Tổng giám đốc đã có chỉ đạo không được tiếp xúc đối tượng này vì nguồn tiền gửi này được nhìn nhận là không có thật, lừa đảo.

“Rất tiếc, anh Nguyên đã để nhân viên dưới quyền thực hiện tiếp xúc, giao dịch, nên xảy ra sự cố. Tuy nhiên SHB đảm bảo an toàn tuyệt đối trong toàn hệ thống, không mất dù chỉ một đồng sau vụ việc này. Sổ tiết kiệm khống đã nói đến chưa phát sinh giá trị bởi chưa có giao dịch trên hệ thống, chưa qua thu chi tiền mặt, chưa có các chứng từ xác nhận số tiền”, ông Lê nói cùng với khẳng định là SHB không có chế độ trích hoa hồng qua thỏa thuận với khách hàng như trường hợp trên trong hoạt động hiện nay.

Hiện SHB đã đình chỉ chức vụ của Giám đốc SHB Khánh Hòa cùng các nhân viên liên quan, cử người thay thế và đảm bảo hoạt động bình thường ở chi nhánh này.

“SHB tiếp tục cảnh báo nghiêm khắc trong toàn hệ thống về việc tiếp xúc với khách hàng, thẩm định nguồn vốn và tiến hành giao dịch. Đây là một bài học quý giá cho cán bộ nhân viên SHB cần hết sức thận trọng và cảnh giác với các giao dịch khối lượng quá lớn như thế này”, ông Lê nói thêm.