14:35 14/04/2021

Tổng Giám đốc Xi măng Chinfon: "Khó khăn thách thức lộ diện anh tài"

Công Lý

Nhiệm vụ của Chinfon và các doanh nghiệp FDI là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao để trong tương lai, người tiêu dùng trên toàn thế giới đều muốn sử dụng hàng "Made in Vietnam"

Ông Tony Liu – Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon. Ảnh: Việt Tuấn
Ông Tony Liu – Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon. Ảnh: Việt Tuấn

"Theo triết lý hoạt động của Chinfon, ngay cả trong ngành công nghiệp phát triển tốt, vẫn có những doanh nghiệp thất bại, vì thế với những ngành công nghiệp gặp nhiều bất lợi, vẫn có những doanh nghiệp phát triển tốt", ông Tony Liu – Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon trao đổi với VnEconomy khi nhìn nhận về làn sóng FDI mới đang vào Việt Nam...

HAI ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA LÀN SÓNG FDI MỚI

Là một doanh nhân nước ngoài với hơn 20 năm kinh doanh tại Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực cải thiện chính sách và môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam thời gian qua?

Chúng tôi cảm nhận rằng Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hết sức để cải thiện chính sách hỗ trợ cũng như môi trường đầu tư. Ví dụ như hơn 20 năm trước, thật lòng mà nói, chính sách lúc đó đôi khi chưa rõ ràng, ngay cả hệ thống luật pháp về đầu tư nước ngoài cũng chưa được hoàn thiện.

Tuy nhiên, mỗi năm sau đó, Chính phủ đều nỗ lực kiểm tra và giảm thiểu các quy trình không cần thiết cũng như thay đổi một số chính sách chưa phù hợp. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã hành động hết sức khẩn trương, đưa ra các chính sách cũng như hỗ trợ tài chính để giúp tất cả doanh nghiệp không chỉ FDI giảm thiểu gánh nặng.

Ông Tony Liu, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon: "Khó khăn thách thức lộ diện anh tài" - Ảnh 1.

"Quan trọng là chúng ta cần cải thiện mỗi ngày để có thể trụ lại trong thị trường, dù có gặp những khó khăn từ bên ngoài"

Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong đại dịch Covid-19 trong hơn một năm vừa rồi nhưng họ không phá sản, không những thế còn trở nên hoàn thiện hơn. Chinfon cũng vậy. Kết quả kinh doanh quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy lợi nhuận của chúng tôi tăng 36%.

Như vậy bạn có thể thấy, mọi thứ đang dần trở về bình thường. Đặc biệt sau khi đại dịch đã được kiểm soát, Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh hơn.

Ông đã chứng kiến các làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, vậy ông nhìn nhận như thế nào về làn sóng FDI mới?

Chúng tôi đã vào Việt Nam hơn 20 năm nay và chứng kiến nhiều thay đổi về đầu tư nước ngoài tại đất nước bạn. Tôi rất vui mừng khi chứng kiến làn sóng FDI mới vào Việt Nam lần này, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Theo tôi sẽ có 2 điểm khác biệt lớn mà làn sóng FDI mới này mang lại so với những làn sóng trước.

Thứ nhất, các dự án FDI trong tương lai đều ở quy mô lớn bởi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến những công ty tập đoàn lớn, đa quốc gia dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam.

Thứ hai, những dự án FDI lớn mang lại cơ hội làm việc tốt hơn cho người dân Việt Nam bởi nhu cầu nhân lực lớn hơn cũng như mức lương cao hơn.

Về phía quốc gia, các dự án FDI mới dù lớn nhỏ đều mang lại lợi ích bởi đó là các dự án công nghệ cao, những công ty, nhà máy đó sẽ đào tạo người lao động địa phương làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia cạnh tranh hơn trong tương lai.

Tôi cũng hy vọng đại dịch Covid 19 sẽ được kiểm soát sớm để các nhà đầu tư công nghệ cao và các dự án lớn mới sẽ vào Việt Nam trong tương lai.

XU HƯỚNG XANH LÀ CHỦ ĐẠO CỦA NỀN KINH TẾ

Ông có thể chia sẻ những thách thức của Chinfon trong bối cảnh hiện nay, khi dự báo nguồn cung xi măng trên thị trường trong nước đang dư thừa?

Chúng tôi hiểu sự cạnh tranh của ngành công nghiệp xi măng. Trước năm 2010, khi chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất xi-măng tại Việt Nam, chúng tôi thuận lợi hơn trong việc tạo ra nhiều doanh thu. Nhưng từ năm 2010 đến nay, nguồn cung dư thừa từ mặt hàng này tại Việt Nam khiến tình hình khó khăn hơn.

Theo triết lý hoạt động của chúng tôi, ngay cả trong ngành công nghiệp phát triển tốt, vẫn có những doanh nghiệp thất bại, vì thế với những ngành công nghiệp gặp nhiều bất lợi, vẫn có những doanh nghiệp phát triển tốt. Quan trọng là chính chúng ta cần cải thiện mỗi ngày để có thể trụ lại trong thị trường, dù có gặp những khó khăn từ bên ngoài.

Ông Tony Liu, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon: "Khó khăn thách thức lộ diện anh tài" - Ảnh 2.

 


Giảm thiểu năng lượng tiêu thụ cho vận hành là việc không hề dễ dàng bởi những thiết bị chúng tôi dự kiến đầu tư khá cao. Nhưng chúng tôi rất sẵn lòng làm điều ấy.

Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu, trong khi đó, xi măng được xem là một ngành khá bất ổn cho môi trường. Vậy Chinfon đã có những bước đi như thế nào để bắt nhịp cùng xu hướng này?

Để cân bằng lại với môi trường, chúng tôi luôn có những biện pháp để bảo vệ môi trường. Bạn có thể thấy ở Chinfon có rất nhiều cây xanh, chúng tôi đã ươm trồng từ những ngày đầu khởi công xây dựng năm 1996, cách đây 26 năm. Trong vòng 10 năm gần đây, từ năm 2011, chúng tôi đã trồng 67.000 cây xanh và vẫn sẽ ươm trồng thêm 9.000 cây xanh trong năm 2021.

Trong sản xuất, chúng tôi cũng có giải pháp chiến lược để quy trình sản xuất xi măng trở nên xanh hơn. Từ năm 2014, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống tuần hoàn nhiệt dư từ khí thải để phát điện công suất 13 MW. Cho tới nay, đó là hệ thống phát điện lớn nhất làm từ nhiệt dư từ khí thải trong ngành công nghiệp xi măng tại Việt Nam.

Hệ thống này đảm bảo 28% sản lượng tiêu thụ điện của nhà máy, đồng nghĩa với việc chúng tôi không cần đốt nhiều than để phục vụ quá trình vận hành của Chinfon. Theo tính toán của chúng tôi, hệ thống này giúp giảm thiểu 60.000 tấn CO2 mỗi năm...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực tái sử dụng rác thải công nghiệp như: lốp xe cũ, hoặc dầu không còn sử dụng được làm nhiên liệu thay thế than. Như vậy chúng tôi không chỉ giảm thiểu chi phí, giảm thiểu việc tiêu thụ than và thải khí CO2, xử lý rác thải công nghiệp mà còn giúp sản xuất nhiều clinker và xi-măng hơn.

Chúng tôi cũng lên kế hoạch đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao hơn để giảm thiểu năng lượng tiêu thụ cho vận hành. Tất nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi những thiết bị chúng tôi dự kiến đầu tư khá cao. Nhưng chúng tôi rất sẵn lòng làm điều ấy.

Chinfon là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên nhận giải thưởng Rồng Vàng (năm 2002). Đây là Giải thưởng thường niên lớn do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) phối hợp cùng Vietnam Economic Times tổ chức. Điều đáng nói là trong 20 năm liên tiếp tổ chức Giải, chưa năm nào Chinfon vắng mặt. Điều gì đặc biệt ở Giải thưởng mà khiến Chinfon gắn bó lâu dài như vậy, thưa ông?

Giải thưởng Rồng Vàng thực sự mang ý nghĩa đặc biệt đối với chúng tôi. Chúng tôi luôn tự nhắc nhở mình phải tạo nên những sản phẩm chất lượng và dịch vụ ngày một cải thiện đến với khách hàng. Vậy nên khi nhận giải thưởng Rồng Vàng lần đầu tiên, mô hình vận hành của chúng tôi đã hoạt động một thời gian. Trong những năm sau, việc tiếp tục được nhận giải thưởng Rồng Vàng khẳng định rằng chính sách của chúng tôi đang đi đúng hướng.

Giải thưởng Rồng Vàng năm đầu tiên là động lực rất quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình bởi nếu chúng tôi để mất giải thưởng này vào các năm sau, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi không phát triển. Tôi mong giải thưởng này có thể được duy trì không chỉ trong vài năm tới mà còn mãi sau này bởi mục đích của giải thưởng là để ghi nhận những sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, được tạo ra bởi những doanh nghiệp nổi bật.

Giải thưởng đã làm các ông thay đổi như thế nào?

Với Chinfon, chúng tôi coi việc được ghi nhận tại giải thưởng Rổng Vàng như một nhiệm vụ. Chúng tôi luôn làm tốt các nhiệm vụ của mình và hiểu rằng cần phải cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình tốt hơn nữa thì mới có cơ hội tiếp tục được nhận giải thưởng này.

Tôi cho rằng, không riêng gì Chinfon, tất cả doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều hiểu rằng, nhiệm vụ của họ là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao để giúp đất nước các bạn phát triển, để trong tương lai, người tiêu dùng trên toàn thế giới đều muốn sử dụng hàng "Made in Vietnam". 

Ông Tony Liu, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon: "Khó khăn thách thức lộ diện anh tài" - Ảnh 3.

 

SỰ HIỆN DIỆN ĐẦY TỰ HÀO

Anh công nhân gác cổng vừa đo nhiệt độ vừa cười: "Các anh chị vào gặp ông Tony Liu à, ông tốt lắm. Cách đây mấy năm công ty làm ăn khó khăn chúng em tưởng phải ra đường nhưng ông đã yêu cầu cán bộ cấp dưới không được để chúng em mất việc, không được giảm lương, thậm chí ngày nghỉ phép cũng phải tính đủ cho chúng em...".

Năm 2018, lần đầu tiên sau hơn 20 năm hoạt động tai Việt Nam, Xi măng Chinfon rơi vào khó khăn, lợi nhuận sụt giảm do giá than, giá dầu tăng, kết quả kinh doanh không đạt mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2019, Tổng Giám đốc Tony Liu đã truyền đi thông điệp: "Tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm việc một cách hiệu quả, tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và cắt giảm các chi phí không cần thiết để vượt qua giai đoạn này... Có khó khăn thử thách mới lộ rõ anh tài".

Năm 2019, Chinfon vẫn giữ nguyên mức tiền thưởng thâm niên cho cán bộ công nhân viên lâu năm, trả tiền phép cho những ngày cán bộ công nhân viên chưa dùng hết trong năm 2018, giữ nguyên các khoản phúc lợi cho người lao động trong năm 2019, kể cả việc du lịch trong và ngoài nước...

Câu chuyện của anh công nhân gác cổng phần nào lí giải cho sự hiện diện đầy tự hào tại Việt Nam của Xi măng Chinfon- một thương hiệu lớn trong ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Cái tên Chinfon cũng từng đứng trong số 100 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và một trong số ít doanh nghiệp có 20 năm liên tiếp nhận Giải thưởng Rồng Vàng về sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng...

Năm 2020, Xi măng Chinfon vẫn tiếp tục là một trong 10 doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn nhất của Hải Phòng...