13:24 11/06/2021

Tổng thống Hàn Quốc khó xử trong vấn đề ân xá "thái tử Samsung"

Hoài Thu

Trong khi người dân và lãnh đạo nhiều chaebol ủng hộ việc ân xá cho "thái tử Samsung", một số tổ chức hoạt động chính trị cho rằng đây sẽ là một ưu ái nữa dành cho chaebol và là một "vết nhơ trong lịch sử”...

Ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics đến Tòa án Cấp cao Seoul vào tháng 1 năm nay - Ảnh: Bloomberg
Ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics đến Tòa án Cấp cao Seoul vào tháng 1 năm nay - Ảnh: Bloomberg

Bloomberg dẫn các cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 7/10 người dân Hàn Quốc hiện ủng hộ việc ân xá cho ôngLee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics trong bối cảnh quốc gia này đang cố gắng chấm dứt đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng trong ngành bán dẫn quan trọng.

Theo Bloomberg, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang lưỡng lự trong việc có ân xá cho ông Lee Jae-yong, thường được gọi là “thái tử Samsung”, hay không. 

ÂN XÁ "THÁI TỬ SAMSUNG" ĐỂ GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG CHIP, COVID-19

Ông Lee Jae-yong, 52 tuổi, bị kết tội hối lộ và tham nhũng để giành quyền kiểm soát tại đế chế Samsung. Nhiều năm qua, cơ hội để ông được hưởng khoan hồng khá mong manh. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi khi ông trở lại nhà giam vào đầu năm nay sau thời gian được tại ngoại chờ xét xử. 

Lãnh đạo tại các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc (chaelbol) cũng đã bắt đầu kêu gọi ân xá cho “thái tử Samsung” để giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng của ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia từng ủng hộ việc bỏ tù ông giờ đây đổi ý với hy vọng ông có thể giúp Hàn Quốc có được nguồn cung vaccine Covid-19.

Tập đoàn Samsung nổi lên là một nhân tố quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước.

Một trong những nội dung quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn là hợp đồng của Samsung Biologics Co. để sản xuất vaccine Covid-19 của hãng dược Mỹ Moderna Inc tại Hàn Quốc. Theo nguồn tin thân cận, cam kết đầu tư 17 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất chip cao cấp tại Mỹ là một trong những yếu tố giúp Samsung giành được hợp đồng sản xuất vaccine này. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng sau cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 21/5 - Ảnh:  Bloomberg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng sau cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 21/5 - Ảnh:  Bloomberg

Sau cuộc gặp với ông Biden, Tổng thống Hàn Quốc đã mời lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu trong nước tới Nhà Xanh để cảm ơn cam kết đầu tư vào Mỹ của họ. Ông cũng nhấn mạnh rằng mình hiểu rõ “sự cảm thông” của công chúng đối với việc ân xá cho ông Lee Jae-yong. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc công khai đề cập tới vấn đề này. 

“Ông Moon Jae-in và chính quyền của mình sẽ công nhận giá trị của Samsung và vai trò quan trọng của tập đoàn này trong việc phục hồi nền kinh tế đất nước”, giáo sư chính trị Shin Yul tại Đại học Myongji, Seoul, nhận định.

Samsung là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với hoạt động kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực từ bệnh viện, dược phẩm cho tới đồ gia dụng, chip bán dẫn. Riêng Samsung Electronics hiện có khoảng 287.000 nhân viên trên toàn cầu và chiếm hơn 20% tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Hàn Quốc. 

MỘT ƯU ÁI KHÁC DÀNH CHO CHAEBOL?

Theo Bloomberg, dù ông Moon Jae-in sẽ chỉ có một nhiệm kỳ tổng thống và không tham gia tranh cử vào năm sau, việc ân xá cho “thái tử Samsung” có thể khiến những người ủng hộ ông tức giận và ảnh hưởng tới cơ hội duy trì quyền lực của đảng Dân chủ. Bên cạnh đó, việc này cũng có thể làm tổn hại tới di sản của ông - người từng tuyên bố sẽ loại bỏ “chiến lược tăng trưởng tập trung vào các chaebol của Hàn Quốc".

Ngoài ra, một bộ phận trong chính đảng Dân chủ của ông Moon Jae-in kịch liệt phản đối việc ân xá cho nhà lãnh đạo Samsung. 

“Trường hợp của ông Lee Jae-yong là vấn đề hối lộ và sử dụng tiền của công ty bất hợp pháp”, ông Park Yong-jin, một ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Suy cho cùng, đó là vấn đề thực thi công lý và chúng ta cần phải tuân thủ nguyên tắc đó”. 

Nhiều nhà hoạt động chính trị cũng chỉ trích việc “thái tử Samsung” có thể được đối xử đặc biệt nhờ các mối quan hệ của mình. Trước đó, cố chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, cha của ông Lee Jae-yong, cũng từng được ân xá hai lần vào năm 2009 và 1997. 

Một bộ phận trong chính đảng Dân chủ của ông Moon Jae-in kịch liệt phản đối việc ân xá cho "thái tử Samsung" - Ảnh: Getty Images
Một bộ phận trong chính đảng Dân chủ của ông Moon Jae-in kịch liệt phản đối việc ân xá cho "thái tử Samsung" - Ảnh: Getty Images

“Chính phủ đương nhiệm và đảng cầm quyền cần nhớ một điều rằng nếu Lee được ân xá hoặc đặc xá, điều này sẽ được ghi nhận là một ưu ái nữa dành cho chaebol và sẽ là  một vết nhơ trong lịch sử”, một nhóm hoạt động vì dân chủ cho biết. 

Theo Bloomberg, việc thả ông Lee Jae-yong qua đặc xá (tha tù với một số hạn chế nhất định) có thể sẽ ít gây tranh cãi hơn. Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc có thể phê duyệt một lệnh đặc xá mà không cần có sự đồng ý của tổng thống. Điều này có nghĩa là ông Moon Jae-in có thể không cần trực tiếp liên quan tới vấn đề này. 

Tuy nhiên, với lệnh đặc xá, tương lai của Samsung vẫn đầy bất chắc. Dù có thể trở lại công việc sau khi được đặc xá, ông Lee sẽ phải thực hiện nhiều quy trình pháp lý để được miễn áp dụng hạn chế làm việc trong 5 năm. Ông đủ điều kiện để được đặc xá vào tháng 8 tới, sau khi thụ án 30% án tù 30 tháng. 

Dù được đặc xá hay ân xá, rắc rối pháp lý của “thái tử Samsung” có thể vẫn chưa chấm dứt. Ông hiện vẫn đang bị xét xử trong một vụ án khác có liên quan tới việc sáp nhập 2 công ty con của Samsung, dự kiến diễn ra vào năm 2022.