11:17 04/05/2019

Tổng thống Mỹ - Nga tính ký một thỏa thuận hạt nhân mới

An Huy

Ông Trump cũng nói Trung Quốc có thể tham gia vào thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân mà ông bàn với ông Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Tass/Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Tass/Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/5 đã bàn về khả năng ký kết một thỏa thuận mới nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân, có thể có sự tham gia của cả Trung Quốc. Nếu đạt được, đây sẽ là một thỏa thuận lớn giữa ba cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, hãng Reuters cho hay.

Trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump cho biết ông đã có một cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ đồng hồ với người đồng cấp Nga. Trong đó, hai nhà lãnh đạo còn bàn về nhiều chủ đề khác như nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela, vấn đề Ukraine…

Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân START mới ký vào năm 2011 - thỏa thuận duy nhất giữa Mỹ và Nga về hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược - sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 nhưng có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên nhất trí. Nếu không có thỏa thuận này, giới phân tích cho rằng sẽ rất khó đo lường được toan tính của mỗi bên.

Ông Trump nói về chi phí tốn kém của việc duy trì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ như một động lực phía sau việc ông muốn hạn chế số lượng vũ khí được triển khai. "Chúng tôi đang nói về một thỏa thuận hạn nhân mà theo đó cả chúng tôi và họ cùng giảm số vũ khí, và có thể xóa bỏ một số vũ khí lớn mà chúng tôi hiện có", ông nói.

Ông cho biết thêm, trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, phía Trung Quốc đã có "cảm nhận rất mạnh mẽ" về việc cùng Mỹ và Nga hạn chế vũ khí hạt nhân.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi và Nga có thể sẽ sớm bắt đầu một thứ gì đó, và Trung Quốc sẽ gia nhập sau đó. Chúng tôi đang nói về phi phổ biến vũ khí hạt nhân, về một thỏa thuận hạt nhân, và đó sẽ là một thỏa thuận rất toàn diện", người đứng đầu Nhà Trắng phát biểu.

Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga cùng cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống dưới 1.550, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, và hạn chế các hệ thống phóng, bao gồm tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom được trang bị năng lực hạt nhân.

Hiệp ước cũng bao gồm nhiều quy định về minh bạch, yêu cầu mỗi bên phải cho phép tiến hành 1 cuộc thanh tra các căn cứ hạt nhân chiến lược của nhau mỗi năm; báo trước 48 tiếng đồng hồ về việc tên lửa mới thuộc phạm vi của hiệp ước được xuất xưởng; và thông báo trước khi phóng tên lửa đạn đạo.

Ông Trump từng gọi START mới, thỏa thuận được Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama ký kết, là một "thỏa thuận tồi" và "phiến diện".

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nói ngắn gọn về báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau cuộc điều tra về nghi vấn chiến dịch tranh cử 2016 của ông Trump thông đồng với Nga. Báo cáo này kết luận không có sự thông đồng nào giữa chiến dịch của ông Trump và Moscow.

Theo ông Trump, ông Putin có vẻ buồn cười. "Ông ấy nói mọi chuyện bắt đầu to như một quả núi, nhưng kết thúc lại bé như con chuột. Ông ấy biết điều đó vì thừa hiểu chẳng có sự thông đồng nào", ông Trump nói.

Theo một tuyên bố của điện Kremin, Washington là bên khởi xướng cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, về vấn đề Venezuela, ông Trump nói với ông Putin rằng "nước Mỹ đứng về phía người dân Venezuela" và nhấn mạnh rằng ông muốn hàng viện trợ nhân đạo được đưa vào Venezuela.

Theo điện Kremlin, ông Putin nói bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ Venezuela sẽ làm suy giảm triển vọng đi đến kết thúc chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Về vấn đề Ukraine, ông Putin nói với ông Trump rằng lãnh đạo mới của nước này sẽ có biện pháp giải quyết xung đột ở miền Đông, điện Kremlin cho hay.

Về vấn đề Triều Tiên, bà Sanders nói rằng ông Trump đã nói về "sự cần thiết và tầm quan trọng của việc Nga tăng cường và tiếp tục gây sức ép để Triều Tiên phi hạt nhân hóa". Điện Kremlin nói cả hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un ở Vladivostok hồi tháng 4, ông Putin ủng hộ một quy trình từng bước trao đổi giữa việc phi hạt nhân hóa và nới trừng phạt.