TP.HCM: 22 dự án bất động sản chờ thẩm định giá
TP.HCM dự thu ngân sách khoảng 25.483 tỷ đồng từ việc triển khai hoàn tất thẩm định giá đối với 22 dự án bất động sản trên địa bàn…
Nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM có số tiền sử dụng đất lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng bị “ách tắc” thời gian qua do chưa xác định được giá đất.
LOẠT DỰ ÁN LỚN CHỜ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã gửi tờ trình tới Sở Tài chính (thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.HCM) về 22 dự án bất động sản cần thẩm định giá trong quý 4/2024.
Việc này nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2024 cho TP.HCM từ các khu đất dự kiến thu tiền sử dụng đất.
Với 22 dự án bất động sản nếu hoàn tất thẩm định giá thì số thu dự kiến cho ngân sách TP.HCM khoảng 25.483 tỷ đồng.
Trong số 22 dự án bất động sản cần thẩm định giá đất có các dự án với số thu dự kiến rất lớn, như: dự án khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart (Lotte) có số tiền sử dụng đất là 16.000 tỷ đồng; khu đất 14,8 ha phường An Phú, TP. Thủ Đức của Công ty cổ phần bất động sản Nguyên Phương, có số tiền sử dụng đất dự kiến 3.500 tỷ đồng.
Khu đất 230 Nguyễn Trãi, quận 1, của Công ty TNHH BĐS N.T.N Trung Thủy, dự kiến số tiền sử dụng đất hơn 3.286 tỷ đồng; dự án khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside, quận 8, của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy, có số tiền sử dụng đất dự kiến hơn 729 tỷ đồng; khu đất phường Tân Hưng, quận 7, của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh,có số tiền sử dụng đất dự kiến 623 tỷ đồng; dự án của Công ty Phú Sơn Thuận ở quận 10 có số tiền sử dụng đất dự kiến là 281 tỷ đồng...
Nhiều năm qua, do vướng công tác thẩm định giá đất mà rất nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM không tính toán được nghĩa vụ tài chính, thu tiền sử dụng đất. Điều này khiến rất nhiều dự án, chung cư không triển khai cấp phép xây dựng hay làm sổ hồng cho người mua nhà.
NGUỒN THU GIẢM DẦN ĐỀU
Tình trạng nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM vướng mắc không triển khai được đã gây khó khăn cho nhiều chủ đầu tư và người mua nhà chung cư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu ngân sách của TP.HCM sụt giảm.
Giao dịch đất đai không được triển khai khiến các khoản thuế từ giao dịch, chuyển nhượng, chuyển quyền, thu nhập và kể cả thuế VAT cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến thu ngân sách của TP.HCM giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách tại TP.HCM đạt khoảng 5.900 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 05/10/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết thực tế, không phải đến năm nay thu tiền sử dụng đất của TP.HCM mới giảm, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm.
Như năm 2017, số thu tiền sử dụng đất là 17.905 tỷ đồng, đến năm 2018 giảm còn 13.868 tỷ đồng, năm 2019 là 14.600 tỷ đồng. Đến năm 2020, tiền sử dụng đất chỉ còn 7.634 tỷ đồng, năm 2021 giảm còn 7.560 tỷ đồng. Đến nămb 2022 con số này là khoảng hơn 9.960 tỷ đồng và năm 2023 còn 4.640 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tại TP.HCM, có 148 dự án bất động sản bị vướng mắc về thủ tục pháp lý. Trong đó, nhiều dự án gặp vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất nên không tính toán được nghĩa vụ tài chính, thu tiền sử dụng đất, khiến dự án bị “đứng hình”, chưa thể triển khai hoặc không thể cấp sổ hồng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Ông Châu cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cùng các bộ ngành và địa phương đã rất nỗ lực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, cho các doanh nghiệp nhưng thực tế việc "giải cứu" đang diễn ra khá chậm chạp. Như tại TP.HCM, đến nay, trong số 148 dự án bất động sản bị ách tắc được lập danh sách để tháo gỡ trong nhiều năm qua, vẫn chưa có dự án nào được xử lý toàn diện. Những rào cản, ách tắc về pháp lý vẫn còn đó. Điều này khiến cho rất ít dự án mới được mở bán ra thị trường tại TP.HCM trong những năm gần đây.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, trong 08 tháng đầu năm 2024, TP.HCM chỉ có 09 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng ở quy mô nhỏ; chỉ 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn, nhưng 100% số căn hộ đều thuộc phân khúc cao cấp, không có bất kỳ căn hộ nào thuộc phân khúc trung cấp hoặc bình dân; không có dự án mua bán và sáp nhập nào được thực hiện.