TP.HCM định hướng triển khai nhiệm vụ cụ thể về quản lý đô thị theo Nghị quyết 98
TP.HCM sẽ triển khai hàng loạt chương trình để thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đặc thù khơi thông các nguồn lực kinh tế, tháo gỡ các điểm nghẽn về quy định pháp luật nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững…
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 2856 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội (Nghị quyết 98), Chỉ thị số 27 của Thành uỷ TP.HCM và Nghị quyết số 18 của HĐND TP.HCM về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
CHO PHÉP TỔ CHỨC BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Trong đó, việc quản lý, quy hoạch đô thị và tài nguyên sẽ được định hướng cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định, thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động và đảm bảo nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.
Thành phố sẽ thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo trình tự, thủ tục quy định, đối với các trường hợp như: tăng chỉ tiêu đất hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giảm mật độ xây dựng, tăng chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người nhưng phải đảm bảo kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM và không làm tăng mật độ xây dựng và không làm quá tải hạ tầng khu vực… bổ sung các công trình công cộng hoặc cải thiện cảnh quan đô thị nhằm nâng cao chất lượng, điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc của người dân trong khu vực.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ thực hiện phù hợp với yêu cầu, điều kiện phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hộ trên địa bàn theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt và việc chấp thuận chủ trương đầu tư trong trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp quy hoạch chung.
Việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) trong trường hợp Bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất để áp dụng cho một số trường hợp cụ thể theo quy định tại Nghị quyết 98.
Việc thực hiện bồi thường bằng loại đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở và nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thành phố cho phép các tổ chức kinh tế Nhà nước cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất hằng năm mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất nếu đáp ứng các điều kiện.
Thành phố cũng sẽ thực hiện hiệu quả việc sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT được ký kết theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT, trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư.
Thực hiện thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển.
Thực hiện gia hạn sử dụng đất đến hết ngày 30/6/2024 đối với chủ đầu tư mua tài sản phát mãi, tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, thi hành án, thừa phát lại để thực hiện dự án phi nông nghiệp nhưng chưa thực hiện các thủ tục để Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà đã hết hạn thời hạn sử dụng đất hoặc chủ đầu tư các dự án đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp đang thực hiện các thủ tục để Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà đã hết thời hạn sử dụng đất.
Bảo đảm các điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng, bao gồm: nhà, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do Nhà nước quản lý.
Đối với việc cho phép tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai được phép triển khai việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất đối với một số dự án cụ thể đáp ứng các tiêu chí, điều kiện về quy mô diện tích, số lượng hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất và một số dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư được quy định tại Nghị quyết 98.
TP.HCM cũng khuyến khích xã hội hoá thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình, thiết chế văn hoá và thể thao trên địa bàn thành phố. Thực hiện thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Về nguồn vốn, thành phố sẽ thực hiện vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP.HCM vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
LẬP TỔ CÔNG TÁC LIÊN NGÀNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ Công tác liên ngành và Tổ giúp việc triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị TP.HCM và Chương trình phát triển đô thị TP. Thủ Đức.
Theo đó, Tổ Công tác liên ngành do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực; Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân làm Tổ phó và 12 thành viên Tổ Công tác liên ngành là lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.
Tổ giúp việc Tổ Công tác liên ngành gồm 11 thành viên, do Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển đô thị - Sở Xây dựng Lâm Thanh Tùng, làm Tổ trưởng.
Tổ Công tác có nhiệm vụ tư vấn và chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về quá trình triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị TP.HCM, Chương trình phát triển đô thị TP. Thủ Đức. Tổng hợp tài liệu, số liệu theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị thành viên Tổ Công tác, để cung cấp cho đơn vị tư vấn lập Chương trình phát triển đô thị.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị, để UBND TP.HCM trình Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất trước phê duyệt.
Còn Tổ giúp việc có nhiệm vụ giúp Tổ Công tác liên ngành xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ của Tổ Công tác; chuẩn bị các tài liệu liên quan phục vụ các phiên họp của Tổ Công tác. Tham mưu kiểm tra, đôn đốc, dự thảo văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của Tổ Công tác liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng Tổ Công tác phân công.
Tổ Công tác liên ngành và Tổ giúp việc triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị TP.HCM và Chương trình phát triển đô thị TP. Thủ Đức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.