17:30 10/06/2021

TP.HCM khẩn trương đàm phán mua và tiêm vaccine cho người dân

Phạm Vinh

“Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định để chúng ta thoát khỏi đại dịch”…

Từ phải qua trái: Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì Hội nghị.
Từ phải qua trái: Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin tại Hội nghị Gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 diễn ra sáng 10/6/2021.

2/3 NGƯỜI DÂN TP.HCM SẼ ĐƯỢC TIÊM CHỦNG TRONG 2021  

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đang triển khai kế hoạch mua và tiêm vaccine cho người dân trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Phong, thành phố đã thành lập Tổ công tác về tiêm vaccine, mục tiêu là sớm tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân. Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt này do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Anh Đức làm tổ trưởng. Hiện TP.HCM cũng đã làm việc với các đơn vị sản xuất để mua vaccine, trong đó có doanh nghiệp sản xuất vaccine của Nga.

 
"Chủ trương TP.HCM là mở rộng tối đa đối tượng ưu tiên được tiêm. Chính phủ đã mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vaccine. Khi có là triển khai ngay và Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm".
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

TP.HCM đặt mục tiêu sẽ thực hiện tiêm vaccine Covid-19 cho toàn dân và dự kiến trước khi kết thúc năm 2021, kỳ vọng 2/3 dân số TP.HCM sẽ được tiêm chủng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ: "Thực tế là hiện rất khó tiếp cận được nguồn vaccine. Trước khi đến dự hội nghị này, ông đã gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi về vấn đề vaccine phòng chống dịch Covid-19. Do đó, mục tiêu là tiêm vaccine cho toàn dân nhưng sẽ có ưu tiên đối tượng tiêm vì số lượng hạn chế".

Để quá trình tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng thành phố, doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine.

"Ai có nguồn cứ báo thẳng đến Ủy ban nhân dân TP.HCM, với tinh thần mang vaccine về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. Trong khi chưa có vaccine, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn, để tự bảo vệ mình, duy trì các hoạt động sản xuất trong năng lực chủ động của mình.", ông Nên nói thêm.

HIỆP HỘI, DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN CÙNG CHUNG TAY

Tại hội nghị, tất cả các doanh nghiệp đều đồng tình chia sẻ với khó khăn chung của toàn Thành phố và cho rằng tiêm vaccine là yếu tố quyết định và căn cơ để đối phó dịch. Sau hơn một năm cầm cự và cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho biết đợt bùng phát dịch lần 4 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động tiêu cực. 

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) cho rằng, khi một doanh nghiệp có công nhân là F1 thì sẽ mất tất. Ông nêu thắc mắc: “Khi chưa tiêm vaccine thì quy trình sản xuất của chúng ta sẽ thực hiện ra sao? Rất khó để có biện pháp phù hợp.”

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh: Chi phí vệ sinh an toàn phòng dịch của doanh nghiệp tăng rất mạnh. Nhưng dù có nhiều biện pháp an toàn, doanh nghiệp vẫn lo lắng, làm sao bảo toàn lực lượng lao động, nên các giải pháp duy nhất hiện nay là tiêm vaccine cho người lao động.

 
"Nếu kế hoạch vaccine không về được trong năm 2021 thì doanh nghiệp sẽ gặp khó. Do đó, Việt Nam cần hướng về mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là triển khai tiêm chủng".
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, toàn bộ lực lượng lao động hàng không đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch. 

Theo ông Kỳ, "Có 11.000 người lao động trong ngành mà chỉ cho 300 liều thì chúng tôi biết tiêm cho ai?”.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự chia sẻ của ông với các băn khoăn của các doanh nghiệp về vấn đề vaccine. Ông cũng cho biết bản thân ông đã nhận được nhiều tin nhắn của các doanh nghiệp sẵn lòng chia sẻ cùng với Thành phố.

“Có doanh nghiệp chỉ đề nghị xin lại 10% trong việc đóng góp mua vaccine để tiêm lại cho công nhân của họ. Lúc đó, tôi có báo cáo Bí thư Thành ủy thì đồng chí nói không chỉ 10% mà 20% cũng được. Nhưng mục tiêu cụ thể ở đây là tiêm vaccine cho toàn dân, nguồn cung vaccine có lộ trình, cần xác định ưu tiên cho những đối tượng nào”, ông Phong nói.

Cũng tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân đưa ra 3 dự báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, gồm thấp, trung bình và cao. Tuy nhiên, tất cả kịch bản sẽ thất bại nếu Việt Nam không nhập được vaccine và tiêm cho công dân, người lao động. Kế hoạch hiện nay là lạc quan khi Việt Nam đã đặt hàng được 120 triệu liều vaccine từ các nước.

“Nếu kế hoạch vaccine không về được trong năm 2021 thì doanh nghiệp sẽ gặp khó. Do đó, Việt Nam cần hướng về mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là triển khai tiêm chủng”, ông Ngân chia sẻ.