15:52 01/12/2021

Tranh cãi liên miên về quy định kiểm dịch thủy sản

Khởi Anh

Doanh nghiệp thủy sản đang than thở, đã gặp nhiều vướng mắc bởi việc kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ đông lạnh cho tới chế biến sâu...

Doanh nghiệp chế biến thủy sản đang là điểm sáng của nền kinh tế, nhưng cũng đang gặp khó vì một số rào cản.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản đang là điểm sáng của nền kinh tế, nhưng cũng đang gặp khó vì một số rào cản.

Ngày 29/11/2021, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi thư lên cơ quan trung ương, báo cáo về vướng mắc lớn nhất của cộng đồng thủy sản hiện nay đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục kiểm dịch.

DOANH NGHIỆP THAN THỞ VÌ "TRÊN TRỜI DƯỚI THỦ TỤC"

Theo hiệp hội này hiện số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp. Năm 2017 chỉ 4 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%. Năm 2018 chỉ 6/tổng số 183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%. Năm 2019 0/tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0%.

Mặc dù đạt không phát sinh nhiều vi phạm nhưng từ năm 2010 đến nay, đối tượng kiểm dịch và chỉ tiêu kiểm dịch trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, sau đó được thay thế bởi Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 26 sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT, thì cả sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa sản phẩm động vật (hàng khô, đồ hộp…) đều thuộc danh mục kiểm dịch theo Luật Thú y.

Khi áp dụng các thông tư này khiến việc kiểm soát dịch bệnh cho thủy sản và kiểm tra an toàn thực phẩm (là sản phẩm thực phẩm dùng cho người) đang khiến cho danh mục hàng hóa phải kiểm dịch một cách không cần thiết ngày càng dài ra.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp và nghiên cứu chuyên môn của các chuyên gia, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.

 
Việc bị mở rộng danh mục phải kiểm dịch cũng như thủ tục thêm phần khắt khe của các cơ quan quản lý đã khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.

Ngoài ra nên bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).

Hiệp hội cũng kiến nghị cần tối ưu hoá các quy định về kiểm dịch với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản trên nguyên tắc là vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng cũng vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, không kiểm dịch theo kiểu “dàn hàng ngang” 100%.

Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị, đó là cần sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy.

CƠ QUAN QUẢN LÝ "TRÌNH BÀY" ĐÃ CẮT GIẢM NHIỀU

Trước hàng loạt những kiến nghị của các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn) khẳng định, trong các năm qua, cơ quan này đã giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể, đối với nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 33,33%); đối với nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế đã cắt giảm 3/7 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 42,85 %); đối với nhóm sản phẩm thủy sản chế biến đã cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 50%).

 
Trong các năm qua, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn) đã giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Các hoạt động kiểm tra, kiểm dịch hiện nay đang thống nhất một mặt hàng nhập khẩu do một cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện, vừa kiểm dịch vừa kiểm tra an toàn thực phẩm, theo đúng quy định tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về cải cách trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

Các chỉ tiêu kiểm tra hiện cũng trùng lắp giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ phải làm một lần, thuận tiện và không phát sinh chi phí kiểm tra xét nghiệm cho lô hàng của doanh nghiệp. 

Cũng Cục Thú y, đối với sản phẩm động vật thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu sang các nước, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu cũng tổ chức thực hiện việc kiểm dịch rất chặt chẽ.

Ví dụ, với sản phẩm tôm đông lạnh (bỏ đầu, bỏ vỏ) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Úc: Mỗi lô hàng trước khi đưa vào cơ sở sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Úc phải được lấy mẫu xét nghiệm các bệnh đốm trắng, đầu vàng (phương pháp xét nghiệm bệnh phải theo Tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới - OIE).

Không chỉ có vậy, mỗi lô hàng khi cập cảng nước Úc tiếp tục được lấy mẫu để xét nghiệm lại các bệnh nêu trên, nếu không có mầm bệnh và đáp ứng các yêu cầu khác nước Úc thì mới được phép nhập khẩu.

Các loại sản phẩm thủy sản (tôm, cá đông lạnh) từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cũng yêu cầu các lô hàng sản phẩm thủy sản từ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải được lấy mẫu xét nghiệm các bệnh (như Hoại tử gan tụy, Hoại huyết cá hồi, virus DIV1, virus TiLV,...).

Đồng thời, các lô hàng tới Hàn Quốc cũng được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc kiểm dịch chặt chẽ.

Theo đánh giá chung của Cục Thú y, hàng hóa đông lạnh, vẫn thuộc nhóm có nguy cơ cao mang vi sinh vật gây bệnh so với hàng hóa được xử lý ở nhiệt độ cao khác.

Cơ quan này cho biết rất trân trọng lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội và sẽ có những tiếp thu phù hợp để phối hợp cùng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn) ban hành theo hướng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi nội địa và môi trường nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.