15:16 06/09/2021

Tránh nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất thủy sản

Chu Khôi

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông TP.HCM đóng cửa. Nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất là khó tránh khỏi.

Chế biến thủy sản đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Chế biến thủy sản đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Với các doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ cuối tháng 7/2021, khi dịch bệnh lan từ TP.HCM xuống các tỉnh miền Tây thì các doanh nghiệp ngành này hứng chịu đầu tiên.

Hiện có tới 50% doanh nghiệp chế biến cá tra phải đóng cửa. Cá tra nuôi tại ao của công ty vượt cỡ (size) do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Ước tính công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện chỉ từ 10-20%.

HÀNG LOẠT NHÀ MÁY CHẾ BIẾN ĐÓNG CỬA

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn. Nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được tại nhà máy.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện “ba tại chỗ” để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký, tuy nhiên cũng buộc phải ngưng hoạt động sau một tháng do phát sinh chi phí quá lớn như: tiền thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm... nên cuối cùng cũng phải đóng cửa.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng ngành tôm Việt Nam hiện đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường, nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua.

VASEP dự báo từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Ngày 30/8/2021, các hiệp hội ngành hàng đã gửi Thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kiến nghị các chính sách hỗ trợ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các hiệp hội cũng đã gửi Thư kiến nghị tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để kiến nghị về vấn đề này.

CÁC HIỆP HỘI ĐỒNG LOẠT KÊU CỨU

Trong thư, các Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét mở rộng thêm một số nội dung hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp.

Thứ nhất, sửa đổi Quyết định 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 về việc hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại các doanh nghiệp đã vất vả đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” và doanh nghiệp ngừng sản xuất. Phạm vi áp dụng gồm các doanh nghiệp ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, không phân biệt phạm vi áp dụng Chỉ thị 16 là toàn tỉnh hay toàn huyện, hoặc khu vực nhỏ hơn. Nếu doanh nghiệp có trụ sở ở địa điểm không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này.

Thứ hai, đề nghị miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021 cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thứ ba, kiến nghị dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cho doanh nghiệp và người lao động trước mắt đến 30/6/2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức là áp dụng đối với doanh nghiệp có 15% lao động trở lên (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) phải tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định tại Công văn số 2059/TLĐ của Tổng liên đoàn Lao động.

Thứ tư, đề nghị cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Mới đây, VASEP cũng gửi Công văn góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó nêu rõ: Hiện nay cả người dân và doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình cùng Chính phủ chống dịch. Nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1/1/2022 thì doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều gánh nặng chi phí để tuân thủ các yêu cầu mới của Nghị định, trong khi thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh, đã phát sinh rất nhiều khoản chi phí liên quan đến chống dịch Covid-19, không còn nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất sau đại dịch chứ chưa tính đến nguồn lực cho việc tuân thủ này. VASEP đề nghị lùi thời hạn hiệu lực thi hành của Nghị định đến 1/1/2024.

 
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Kiến nghị Chính phủ xem xét quy định việc xét nghiệm Covid-19 là loại dịch vụ phi lợi nhuận, do Chính phủ điều tiết với khung giá thống nhất và giao cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất ở những nơi dịch bệnh đang bùng phát.
Đồng thời Chính phủ có chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp cụ thể như được giảm, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế liên quan và hoãn nộp bảo hiểm xã hội; được miễn tiền thuê đất năm 2021 và thực hiện giá thuê đất 5 năm giai đoạn sau; tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo việc chi trả cho người lao động.

 

 
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP
VASEP kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch. Hiện nay, kết dư của các quỹ bảo hiểm đang rất lớn, theo báo cáo của Chính phủ, ước đạt gần 935,1 nghìn tỷ đồng. Với mức kết dư lớn, BHXH hoàn toàn có khả năng và cần đóng góp nguồn lực cho việc chi trả lương cho người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn khó khăn và đang kiệt quệ nguồn lực do đại dịch Covid-19.
VASEP cũng đề nghị tất cả doanh nghiệp được giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% từ mức 2% quỹ lương vì nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và phí công đoàn là vô cùng lớn. Việc cần có ngay chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động từ Tổng Liên đoàn Lao động vào lúc này sẽ vừa phát huy vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa có ý nghĩa để chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
VASEP đề nghị TP.HCM và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng và đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện... từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.