Triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới và hàm ý cho Việt Nam
Xung đột Nga-Ukraine được cho là “chất xúc tác” mới nhất và mạnh mẽ nhất tới thị trường dầu thế giới kể từ đầu năm 2022, giá dầu và khí đốt đạt mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử...
Chính phủ các nước phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết nhu cầu dầu trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, kiềm chế giá dầu lạm phát. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo triển vọng phục hồi vẫn còn u ám và sẽ tiếp diễn trong năm 2023.
Sau 3 lần liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới kể từ tháng 4/2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra nhiều tín hiệu tích cực thời điểm cuối năm, tuy nhiên những quan ngại về tác động kinh tế do cuộc xung đột Nga – Ukraine, bất ổn địa chính trị và lạm phát leo thang, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ…
NHU CẦU DẦU THẾ GIỚI
Theo OPEC, nhu cầu dầu thế giới tháng 10/2022 tăng 2,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, tương đương với dự báo tháng 11/2022, tăng trưởng khả quan hơn quý 3/2022 nhờ thị trường vận chuyển nhiên liệu mạnh hơn mong đợi. Nhu cầu dầu ở Hoa Kỳ tăng cao nhất do nhu cầu xăng và dầu Diesel hồi phục; nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và giao thông vận tải ở Ấn Độ, Trung Đông và một số quốc gia châu Á khác cũng tăng đều. Ngoài ra, OPEC cũng giữ vững dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu dầu trung bình là 101,8 triệu thùng/ngày. Mặc dù có sự thay đổi về địa chính trị và nỗ lực ngăn chặn Covid-19 ở Trung Quốc nhưng nhu cầu sẽ khó vượt qua mức dự báo năm 2019. OPEC cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,5% xuống 3,1% và hạ mức tăng trưởng năm 2023 là 3,1% (OPEC 2022).
Tại Mỹ, căng thẳng chính trị Mỹ - Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu. Mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu người dân. Cụ thể, nhu cầu dầu tại Mỹ vẫn yếu ở mức 0,2 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, OPEC cho rằng số dặm xe đã cải thiện 1% trong tháng 10/2022 so với tháng trước đó. Mỹ đang gánh chịu hậu quả chưa từng có trong tiền lệ từ chính những biện pháp trừng phạt của mình dành cho Nga. Nhu cầu dầu tiếp tục giảm từ tháng 11/2022, trong bối cảnh OPEC cắt giảm 2% sản lượng đã đẩy giá dầu lên cao (OPEC 2022).
Tại châu Âu, nhu cầu dầu và khí đốt của khu vực này đã suy giảm đáng kể do chi phí tăng cùng áp lực tiết kiệm năng lượng của các chính phủ. Các nước đứng khối EU là Anh, Pháp, Đức, Italy chứng kiến nhu cầu đối với LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), Naphtha, Gasoline tăng từ 1,5% đến 15,3% trong tháng 7/2022 do nguồn cung dầu mỏ và khí đốt sụt giảm. Châu Âu đang xoay sở tìm giải pháp cải cách thị trường năng lượng trong khi vẫn duy trì tình trạng căng thẳng chính trị với Nga. Điều này lại càng làm cho tình trạng dầu mỏ, khí đốt tăng cao chưa từng thấy.
Tại Trung Quốc, chính sách Zero-Covid ở Trung Quốc đẩy nhu cầu dầu tháng 8/2022 tăng từ 0,3 lên 0,45 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2021. Các biện pháp kiểm soát hàng hóa, phương tiện nghiệm ngặt của Trung Quốc tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế nói chung và hàng không vận tải nói riêng. Trong tháng 10/2022, nhu cầu dầu Diesel tăng mạnh (tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với tháng 10/2021) dưới sự hỗ trợ của nhà máy lọc dầu Sơn Đông nhằm phục vụ các sản phẩm tinh chế (Olefin và Aromat), các ngành công nghiệp, thị trường vận tải hàng hóa và nhiên liệu.
TÌNH HÌNH NGUỒN CUNG
Trong năm 2022, chuỗi cung ứng dầu mỏ và khí đốt đã chứng kiến tác động bất ngờ và mạnh mẽ từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Ngay sau khi chiến sự nổ ra, sản lượng sản xuất dầu mỏ của Nga đã giảm từ 11,33 triệu thùng/ngày trong quý 1/2022 xuống 10,63 triệu thùng/ngày trong quý 2/2022. Nga đã hứng chịu 8 làn sóng trừng phạt của EU, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu của quốc gia này. Bộ Kinh tế Liên bang Nga cho biết sản lượng dầu đã giảm 17% so với thời điểm trước xung đột tại Ukraine. Mức giảm này sát với ngưỡng giảm 2 triệu thùng/ngày mà ông Loonet dự báo về sản lượng dầu thô tại Nga giai đoạn 2021-2030.
Về phía OPEC, nhờ giá dầu mỏ tăng và nhu cầu dịch chuyển nguồn cung, sản lượng khai thác dầu mỏ của khối này trong 3 quý đầu năm 2022 liên tục tăng và liên tục đạt các mức cao mới. Sản lượng tháng 9/2022 của OPEC đã đạt 29,81 triệu thùng/ngày, cao hơn 210.000 thùng so với tháng 8/2022. Mười thành viên tham gia hiệp ước sản xuất OPEC đạt mục tiêu 1,32 triệu thùng/ngày – cải thiện so với mức thiếu hụt 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Tuy nhiên, mặc dù là đồng minh truyền thống của Mỹ, song OPEC và Nga đã nhất trí cắt giảm sản lượng toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11/2022. Động thái của Nga khá rõ ràng khi dự báo sản lượng 2023 của Nga giảm rất mạnh (xấp xỉ 10 triệu thùng/ngày). Việc cắt giảm nguồn cùng là bước đi phòng xa để OPEC dư được chút ít sản lượng dầu đề phòng cho những biến động của năm tới.
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG
Thứ nhất, châu Âu đang chật vật bình ổn chuỗi cung ứng khi tìm cách đoạn tuyệt đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. Hàng năm, Đức tiếp nhận đều đặn 170 triệu m3 khí đốt từ Saint Petersburg, qua đường ống Nord Stream 1 nằm dưới biển Baltic. Tuy nhiên, Gazprom - công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới, đã thông báo khóa đường ống dẫn khí để bảo trì rò rỉ dầu ở tua-bin, nhưng EU hiểu rất rõ vấn đề và khẳng định sẽ đẩy nhanh con đường độc lập năng lượng. Sau tuyên bố đó, Gazprom ngừng vận chuyển dầu vô thời hạn cho tập đoàn Engie (Pháp), Hungary, Đan Mạch, Phần Lan, Ba Lan...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2023 phát hành ngày 13-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam