15:45 04/01/2022

Trình 1 luật sửa 8 luật: Gỡ vướng mắc thể chế, đơn giản hóa thủ tục đầu tư

Phúc Minh

Việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh - VGP.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh - VGP.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, sáng 4/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, việc sửa đổi bổ sung còn để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Dự thảo Luật gồm 10 điều, gồm: 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, đa số ý kiến các Ủy ban được phân công thẩm tra tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh - Quochoi.vn. 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh - Quochoi.vn. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, do những chính sách quy định tại dự thảo luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, nên để Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp.

Cùng với đó là dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành có liên quan tới nội dung quy định chi tiết tại văn bản dưới luật, đề nghị báo cáo rõ về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm tính khả thi.

Đối với nội dung của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo nghị định kèm theo. Ngoài ra, đề nghị rà soát báo cáo đánh giá tác động một số chính sách có nội dung chưa thống nhất với dự thảo luật.

Các ủy ban nhận thấy, nội dung của dự thảo Luật tuân thủ các quy định của Hiến pháp, đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung của các luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại của từng luật và của hệ thống pháp luật.