Trình luật chậm do các bộ không “đến nơi đến chốn”
Dự họp góp ý, đại diện các bộ chỉ soi xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không
Hồ sơ gửi chậm, chưa tạo được sự đồng thuận của các bộ, đánh giá tác động chưa sát thực tế...
Đó là một số nhận xét được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đưa ra về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Chính phủ trình Quốc hội sáng 6/10.
Khó suôn sẻ
Về sự cần thiết ban hành luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định 56 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ mang tính khuyến khich chung, chưa cụ thể... nên hiệu lực thực thi chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, đồng ý về sự cần thiết, song Uỷ ban Kinh tế cho biết ngày 29/9/2016, ủy ban này mới nhận được hồ sơ trình dự án luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định.
Thời gian trình quá gấp, một số nội dung trong báo cáo thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động không tương thích, nhất quán với nội dung của dự thảo luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến cho rằng, những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ là nguyên nhân để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56. Việc ban hành luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do dự thảo luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện.
Chưa đi vào nội dung cụ thể, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập của cả quy trình và dự án luật.
Dẫn quy định hiện hành là cơ quan thẩm tra sẽ không tiến hành thẩm tra hồ sơ gửi không đúng thời gian quy định, ông Hiển nói, chậm như vậy nhưng Uỷ ban Kinh tế vẫn thẩm tra là đáng trân trọng. Nhưng, nếu suôn sẻ thì không sao, còn nếu không suôn sẻ mà quay ra xem lại quy trình, là có khuyết điểm.
Chậm như vậy, nhưng dự án luật vẫn không tạo được sự đồng thuận của các bộ.
Ông Hiển dẫn chứng, Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì thẩm định có ý kiến là hầu hết các vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế hay do chưa có luật. Vì thế Chính phủ có thể ban hành nghị định mà không cần ban hành luật.
Bộ Tài chính thì gần như bác hết các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế. Còn Ngân hàng Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Bộ Công Thương lo đến khả năng bị kiện ra WTO nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng.
“Tôi chỉ trích ý kiến bốn “ông” như thế thì đã có chuyện rồi”, ông Hiển lo ngại.
Sợ hơi lạc quan
Nhận xét tiếp theo từ Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là đánh giá tác động của dự thảo luật thì rất khả quan, nhưng thực tiễn thì khác xa.
Chẳng hạn, Chính phủ cho rằng luật sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp thực sự hoạt động vào năm 2020.
Như vậy mỗi năm tăng 130 ngàn doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp nộp ngân sách trung bình 500 triệu đồng, thì sẽ có 260 ngàn tỷ mỗi năm. “Như vậy thì phấn khởi quá”, ông Hiển nói.
Nhưng, theo ông Hiển, cách đây 5 năm tổng số doanh nghiệp là 544 ngàn, giờ chỉ có 480 ngàn, như vậy là tụt đi, chưa kể trong 480 ngàn hiện tại chỉ có 45% hoạt động thôi.
“Gần 30 năm đổi mới mà số doanh nghiệp cũng chỉ là 480 ngàn, trong đó có 45% thực sự hoạt động thôi, mà đánh giá đến 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp thì cần thận trọng, cần tính toán kỹ hơn, nếu được như thế thì phải làm ngay nhưng đánh giá thế thì hơi lạc quan”, ông nhận xét.
(Tuy vậy, trong phần phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đính chính ông Hiển rằng, số liệu mới nhất là hiện có 959 ngàn doanh nghiệp đăng ký, và có 590 ngàn đang hoạt động).
Một điểm “vênh” nữa được ông Hiển chỉ ra là theo tính toán của Bộ Tài chính thì áp dụng chính sách tại luật, ngân sách sẽ bỏ ra xấp xỉ 20 ngàn tỷ chứ không phải 13 ngàn như tính toán của Chính phủ.
Cho rằng 20 ngàn e là còn chưa đủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Uỷ ban Thường vụ không có thành viên nào không ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng luật hoá như thế nào thì cần bàn kỹ hơn.
Chủ tịch Kim Ngân và một số ý kiến khác cũng thể hiện băn khoăn về sự tương thích của luật này với các luật khác và các điều ước quốc tế.
Các bộ “thiếu trách nhiệm”
Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói thẳng lý do là các bộ ngành liên quan hết sức thiếu trách nhiệm.
Ông kể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người tham dự, nay cử đồng chí này, mai cử đồng chí khác.
Bộ trưởng cũng cho hay, tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết người đại diện các bộ chỉ mang tính soi xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không, chứ không mang tư tưởng: đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, và việc cần thiết phải xây dựng chính sách để khu vực doanh nghiệp này phát triển, sẽ là động lực cho sự phát triển đất nước.
“Cách làm luật của các bộ ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm. Nên dù ban soạn thảo đã rất công phu soạn thảo bản dự thảo nhưng không ai cho ý kiến đóng góp, đã đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ, Phó thủ tướng đã phải họp rất nhiều cuộc để ra được bản dự thảo cuối cùng trình lên Thường vụ Quốc hội hôm nay”, ông Dũng nói.
“Sau khi Thủ tướng, các phó thủ tướng họp bàn quyết định, văn bản trình ra Thường vụ hôm nay là đã được thống nhất giữa các bộ. Bộ nào có ý kiến khác không có giá trị”, ông Dũng thể hiện quan điểm.
“Đã có nhiều nước có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta quá chậm, nếu luật này ban hành chậm ngày nào thì đất nước chúng ta thiệt thòi ngày đó”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói thêm.