Trong một thế giới biến động, khối lượng giao dịch hàng hóa tiếp tục tăng
Mặc dù quý 1, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trải qua nhiều phiên biến động mạnh nhưng theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch liên thông với thế giới vẫn tăng 27,73% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng xấp xỉ 26,5% so với quý trước, đạt trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng mỗi ngày...
Trong top 5 công ty thành viên có thị phần môi giới hàng hóa lớn nhất, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu.
DẦU ĐẬU TƯƠNG VÀ NGÔ LÀ HAI “NGÔI SAO ĐANG LÊN”
Kể từ ngày 8/4 cho tới nay, bạch kim đã có 7 phiên liên tiếp tăng giá và hiện, mặt hàng này vẫn đang thu hút được lực mua mạnh từ các nhà đầu tư. Theo ghi nhận của MXV, quý 1 năm nay, bạch kim vẫn là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam khi chiếm tới 22% khối lượng giao dịch trên toàn Sở.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV, quý đầu năm nay, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm kim loại quý khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Thêm vào đó, thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt năm thứ ba liên tiếp.
Báo cáo từ Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC) cũng ước tính, mức thâm hụt trong năm 2025 lên tới 848.000 ounce, tăng thêm 309.000 ounce so với dự báo trước đó. Nguồn cung toàn cầu dự kiến sẽ giảm 4%, xuống còn khoảng 7 triệu ounce, ghi nhận mức thấp thứ hai kể từ năm 2013, chủ yếu do sự suy yếu kéo dài từ cả hoạt động tái chế và khai thác mỏ.
Đứng vị trí thứ 2 và 3, bám sát bạch kim là đậu tương và dầu đậu tương lần lượt chiếm tỷ trọng 17,7% và 15,9%. Như vậy, mặt hàng dầu đậu tương đã trở thành “ngôi sao đang lên” khi soái ngôi mặt hàng lúa mì.
Bất ngờ lớn là sự xuất hiện của mặt hàng ngô với vị trí thứ 4 với tỷ trọng chiếm tới 10,2%, phản ánh sự thay đổi trong xu hướng đầu tư. Các mặt hàng quen thuộc khác như lúa mì, đồng, khô đậu tương, cà phê Arabica và bạc vẫn giữ vị trí chủ đạo trong bảng xếp hạng.
Trong thời gian tới, giới chuyên gia nhận định giá hàng hóa nguyên liệu sẽ còn biến động mạnh hơn nữa. Do đó, nhiều khả năng, trật tự của bảng xếp hạng các mặt hàng được giao dịch liên thông với thế giới sẽ thay đổi.
Mới đây, ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các cơ quan chính phủ thực hiện một cuộc điều tra nhằm vào khoáng sản quan trọng nhập khẩu vào Mỹ. Cuộc điều tra này sẽ là cơ sở để chính phủ Mỹ đặt mức thuế quan mới với khoáng chất nhập khẩu. Đây cũng là cơ sở pháp lý mà ông Trump sử dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để áp thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ.
Một cuộc điều tra tương tự với đồng nhập khẩu hồi tháng 2 và điều tra với được phẩm và con chip nhập khẩu sắp tới cũng viện dẫn luật này. Theo sắc lệnh, các hoạt động thị trường với tất cả khoáng sản quan trọng, bao gồm coban, niken và 17 loại đất hiếm - sẽ được nghiên cứu để cân nhắc áp thuế quan. Do đó, theo MXV, sắp tới, các mặt hàng kim loại sẽ trở thành tâm điểm giao dịch của thị trường và có thể các mặt hàng như đồng micro, bạc micro hay đồng sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn trong top 10 sản phẩm giao dịch nhiều nhất.
GIA CÁT LỢI TIẾP TỤC GIỮ VỊ TRÍ TIÊN PHONG TRONG CUỘC ĐUA MÔI GIỚI HÀNG HÒA
Theo số liệu từ MXV, bảng xếp hạng thị phần quý 1 năm nay không có nhiều xáo trộn trong top 5 môi giới hàng hóa. Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi vẫn giữ vị trí dẫn đầu với thị phần vượt trội 31,95%. Thành công này đến từ chiến lược phát triển mạng lưới rộng khắp cùng hệ thống văn phòng, chi nhánh lớn nhất cả nước, giúp Gia Cát Lợi củng cố vững chắc vị thế số một trên thị trường môi giới hàng hóa nhiều quý liên tiếp.

Ở vị trí thứ hai, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa TP. Hồ Chí Minh (HCT) ghi nhận thị phần 14,24%, giảm mạnh so với mức 18,2% của năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong nhóm dẫn đầu, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác thu hẹp khoảng cách.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Hitech Finance đã có bước tiến vượt bậc khi nâng thị phần từ 5,2% trong năm 2024 lên 12,14% trong quý 1/2025 để vươn lên vị trí thứ ba. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong top 5 cho thấy hiệu quả từ chiến lược phát triển tập trung vào mở rộng mạng lưới khách hàng, nâng cao chất lượng tư vấn đầu tư và tận dụng tốt diễn biến của thị trường hàng hóa, đặc biệt ở các mặt hàng có thanh khoản cao.
Ở chiều ngược lại Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) dù suy giảm thị phần từ 14,7% xuống còn 11,21% nhưng vẫn giữ vị trí thứ tư. Cuối cùng, Công ty Cổ phần Saigon Futures đứng thứ năm với 9,42%, giảm nhẹ so với mức 10,1% của năm trước.
Đánh giá về bảng xếp hạng, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết mặc dù không có nhiều thay đổi trong top 5 môi giới hàng hóa trong quý 1. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động mạnh, thị trường hàng hóa rung lắc đáng kể theo các chính sách thuế quan, thương mại và các cuộc đối đầu leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc thì các vị trí dẫn đầu đã khẳng định được sự ổn định về “phong độ” trên thị trường.
Trong thời gian qua, các thành viên không chỉ cạnh tranh lành mạnh mà còn đồng hành cùng MXV trong việc xây dựng một môi trường giao dịch chuyên nghiệp, minh bạch thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Sở góp phần nâng cao uy tín và vị thế của thị trường hàng hóa Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực.