06:00 11/12/2021

Trung Quốc bất an khi tỷ giá Nhân dân tệ cao nhất 3 năm

An Huy

Bắc Kinh đang vội triển khai các biện pháp can thiệp trong bối cảnh tỷ giá đồng nội tệ đạt mức cao nhất 3 năm, trước khi sự tăng giá này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: SCMP.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: SCMP.

Giữa lúc đối mặt với loạt thách thức kinh tế, Trung Quốc còn phải tìm cách chống lại sự đánh cược của giới đầu cơ trên thị trường quốc tế cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng giá.

Bắc Kinh đang vội triển khai các biện pháp can thiệp trong bối cảnh tỷ giá đồng nội tệ đạt mức cao nhất 3 năm, trước khi sự tăng giá này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá chóng mặt chắc chắn là điều mà Trung Quốc không hề muốn giữa lúc nước này đang đứng cố gắng quản lý sự sụt dốc của thị trường bất động sản, hai vụ vỡ nợ doanh nghiệp của hai “ông lớn” địa ốc Evergrande và Kaisa, một nền kinh tế giảm tốc, và áp lực giá cả ngày càng nóng. Tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cố gắng ngăn chặn đà leo thang của tỷ giá, đầu tiên là yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ ngoại tệ, tiếp đến là đưa ra mức tỷ giá tham chiếu hàng ngày thấp hơn nhiều so với dự báo.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể phải hành động quyết liệt hơn - hãng tin Bloomberg cho hay.

DÒNG TIỀN NÓNG CHẢY MẠNH VÀO TRUNG QUỐC

Việc Trung Quốc dịch chuyển sang chính sách mềm mỏng hơn trong tháng này đã đưa dòng tiền nóng chảy mạnh vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu chính phủ Trung Quốc, khiến đồng Nhân dân tệ đạt mức cao nhất hơn 3 năm so với USD. Riêng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,4 tỷ USD cổ phiếu định giá bằng Nhân dân tệ, một con số gần mức cao nhất mọi thời đại. Khối ngoại cũng đang nắm kỷ lục 375 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu luôn có tâm lý lo lắng về những nguy cơ từ dòng tiền, nhất là sau vụ phá giá Nhân dân tệ vào năm 2015. Đó là lý do tại sao Chính phủ nước này duy trì việc kiểm soát chặt chẽ đối với các dòng vốn ra, vào. Dòng vốn chảy mạnh vào Trung Quốc có thể dẫn tới rủi ro hình thành bong bóng tài sản, và bong bóng có thể vỡ một khi dòng tiền bắt đầu rời đi. Hồi tháng 11, nhà chức trách nước này đã cảnh báo các định chế tài chính về việc đặt cược một chiều vào tỷ giá Nhân dân tệ.

“Một phần của dòng tiền sẽ là tiền nóng”, chiến lược gia trưởng Hao Hong của Bocom International Holdings Co. nói với Bloomberg TV. “Chúng ta đã xem bộ phim này vào năm 2007 và tiếp đó là vào năm 2015. Đó là một con dao hai lưỡi, một khi dòng tiền nóng chảy đi, thị trường tài chính của Trung Quốc có thể mất ổn định”.

Tốc độ tăng của Nhân dân tệ trong những tuần gần đây không phải là quá mạnh, nhưng tỷ giá đồng tiền này đã ở ngưỡng cao từ trước. Năm nay, Nhân dân tệ tăng giá so với mọi đồng tiền chủ chốt khác, hiện đang ở đỉnh kể từ năm 2015 so một rổ gồm các đồng tiền các đối tác thương mại chính của Trung Quốc.

Chỉ số đo tỷ giá Nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ gần đạt mức cao nhất kể từ năm 2015.
Chỉ số đo tỷ giá Nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ gần đạt mức cao nhất kể từ năm 2015.

So với đồng USD, tỷ giá Nhân dân tệ vào thời điểm chiều ngày 10/12 là gần 6,37 Nhân dân tệ đổi 1 USD, theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Năm nay, Nhân dân tệ đã tăng 2,8% so với USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây đã giảm tốc về mức thấp nhất kể từ năm 1990 (ngoài trừ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19). Sự giảm tốc này có nguyên nhân do Chính phủ Trung Quốc siết dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản, tiêu dùng yếu do các biện pháp chống Covid nghiêm ngặt, và so sánh với mức phục hồi cao của cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá Trung Quốc đã bù đắp phần nào cho những thách thức trong nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 của nước này tăng mạnh hơn dự báo và đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,1% trong quý 4 này.

TRÁI CHIỀU CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ GIỮA TRUNG QUỐC VÀ MỸ

Kinh tế giảm tốc khiến Trung Quốc phải đưa ra một lập trường chính sách mềm mỏng hơn, sau một năm tập trung vào nỗ lực giảm nợ và siết chặt việc kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước. Giới phân tích dự báo các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ dịch chuyển trọng tâm sang hỗ trợ tăng trưởng tại một cuộc họp quan trọng về chính sách kinh tế, dự kiến sẽ diễn ra sau vài ngày nữa. Có một số đồn đoán cho rằng lãi suất cơ bản của các khoản vay ngân hàng sắp được hạn ngay trong tháng này, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Điều này đồng nghĩa chính sách tiền tệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngược chiều trong năm tới, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang rút lại các biện pháp kích thích tăng trưởng. Các giao dịch dựa trên sự trái chiều chính sách tiền tệ Mỹ-Trung đang nổi lên là một trong những ý tưởng hàng đầu cho năm 2022 của các chiến lược gia vĩ mô. Trong đó, nhiều người đang nghiêng về khả năng đầu cơ giá lên đối với các tài sản ở Trung Quốc, làm gia tăng khả năng các dòng tiền nóng chảy mạnh vào nước này.

Tỷ giá USD so với Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 3 năm. Đơn vị: Nhân dân tệ/USD.
Tỷ giá USD so với Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 3 năm. Đơn vị: Nhân dân tệ/USD.

Đối với Trung Quốc, năm 2022 là một năm có tầm quan trọng lớn về chính trị, bởi đây là năm nước này tiến hành đại hội đảng. Tuần này, cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc đã lần đầu tiên sử dụng cụm từ “ổn định là ưu tiên cao nhất” – theo một báo cáo của Macquarie Group Ltd..

Trong báo cáo giám sát tiền tệ mà Chính phủ Mỹ công bố vào tuần trước, Trung Quốc không bị dán nhãn là quốc gia thao túng tỷ giá, nghĩa là Washington cho rằng Bắc Kinh đang không điều khiển tỷ giá đồng nội tệ theo hướng giành lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng. Năm 2020, Trung Quốc đã để cho đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh, trong bối cảnh sự vững vàng của nước này trước sự tấn công của Covid-19 đã làm gia tăng sức hấp dẫn của Trung Quốc trong mắt giới đầu tư nước ngoài. Đến đầu năm nay, PBOC có vẻ bắt đầu kiểm soát kỹ hơn các biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, tốc độ tăng của Nhân dân tệ trong nửa sau của năm nay thậm chí còn ấn tượng hơn, nếu xét đến sự tăng giá của đồng USD khi bản thân đồng bạc xanh gần đây cũng tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.

PBOC có cả một lịch sử can thiệp để điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ theo cả hai hướng, trong một hệ thống tỷ giá mà Trung Quốc gọi là “thả nổi có quản lý”. Tỷ giá tham chiếu được thiết lập hàng ngày là một tín hiệu chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Trong 5 ngày trở lại đây, tỷ giá này liên tục được đưa ra ở mức thấp hơn so với bình quân dự báo trong khảo sát của Bloomberg.

“PBOC đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh không thoải mái với sự tăng giá gần đây của Nhân dân tệ”, nhà phân tích vĩ mô Tao Chuan của Dongwu Securities phát biểu. “Dòng vốn ngoại chảy vào các tài sản Nhân dân tệ đã tăng tốc gần đây, có khả năng dẫn đến sự biến động giá tài sản không mong muốn. Các động thái chính sách của PBOC có thể cản bớt dòng vốn có khả năng trở nên nguy hiểm trong trường hợp đảo chiều”.