12:14 19/06/2023

Trung Quốc bên bờ vực giảm phát, nhà đầu tư có thể trông đợi điều gì?

Bình Minh

Một loạt dữ liệu phản ánh sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc trong tháng 5 đã làm dấy lên hy vọng về một sự can thiệp quyết đoán của Chính phủ nước này để vực dậy đà phục hồi kinh tế đang ngày càng trở nên mong manh...

Một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc, tháng 4/2023 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc, tháng 4/2023 - Ảnh: Getty/CNBC.

Sau hai đợt giảm lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào tuần vừa rồi, thị trường đang dự đoán về các động thái tiếp theo từ Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và một cuộc họp của Bộ Chính trị nước này vào tháng 7 - sự kiện trong đó các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ nhìn lại hoạt động kinh tế của đất nước trong nửa đầu năm nay.

GIẢM LÃI SUẤT MỚI CHỈ LÀ KHỞI ĐẦU

Hôm thứ Năm tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo về “áp lực gia tăng... trong việc điều chỉnh cơ cấu trong nước” ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những dữ liệu kinh tế mới nhất - từ sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đến doanh số bán lẻ và thương mại - đều không như mong đợi, cho thấy Trung Quốc đang đứng trên bờ vực giảm phát khi quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch bị đình trệ.

“Tôi cho rằng Bắc Kinh có thể đang xem xét một loại gói kích thích tổng thể để thúc đẩy không chỉ đầu tư mà còn cả tiêu dùng bằng các biện pháp như cắt giảm lãi suất,” nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Bank of America, bà Helen Qiao, nói với hãng tin CNBC.

“Đồng thời, họ có thể đang cân nhắc một chương trình phát phiếu mua hàng (voucher) dành cho người tiêu dùng và nghĩ đến việc tăng thâm hụt tài khóa để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hơn. Nhưng cũng cần phải nói rằng, những việc này cần phải được chuẩn bị và sau đó mới đến phần triển khai, chứ không phải làm ngay được”, bà Qiao nói.

Vào hôm thứ Năm, trước khi các số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc được công bố, PBOC đã giảm một lãi suất chủ chốt lần đầu tiên trong 10 tháng. Theo đó, lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 1 năm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Trước đó, vào hôm thứ Hai, PBOC giảm lãi suất mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày. Hai động thái hạ lãi suất liên tiếp được đánh giá chủ yếu mang tính chất biểu tượng, nhưng cho thấy tính cấp bách của vấn đề. Nhiều chuyên gia dự báo PBOC sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản (LPR) vào tuần này.

“Dữ liệu đầu tư yếu cho thấy các nhà chức trách khó có thể chỉ dừng ở việc nới lỏng tiền tệ mà chúng ta đã thấy trong tuần này,” nhà kinh tế học Louise Loo của công ty nghiên cứu Oxford Economics viết trong một báo cáo sau khi các số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc được công bố..

Bà Loo trích dẫn các ví dụ như mức giảm 7,2% trong đầu tư bất động sản ở Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay - tốc độ nhanh hơn so với mức giảm 6,2% được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. “Điều này cho thấy rằng cho đến nay, hoạt động đầu tư vẫn do nhà nước dẫn dắt, nhưng cách làm đó không hiệu quả trong việc thu hút đầu tư tư nhân hoặc cải thiện tâm lý doanh nghiệp nói chung”, vị chuyên gia nhận định.

“Do đó, chúng tôi cho rằng nhà chức trách Trung Quốc sẽ tiếp tục công bố các biện pháp nới lỏng ‘từng phần’ cho lĩnh vực bất động sản trong những tuần tới”, bà Loo viết. “Tiếp đến có thể sẽ là nới lỏng hơn nữa các hạn chế mua nhà, chính sách quyết liệt hơn để thúc đẩy các dự án nhà ở công cộng, và hỗ trợ điều kiện tài chính cho các công ty phát triển bất động sản”.

THẤT NGHIỆP VÀ TIÊU DÙNG

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 5 ở mức 20,8% - gấp 4 lần tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc ở thành thị đối với người lao động ở mọi lứa tuổi là 5,2%. Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs tháng trước nhận định rằng việc đưa người trẻ trở lại làm việc sẽ góp phần thúc phục hồi kinh tế Trung Quốc, vì đối tượng này chiếm gần 20% mức dùng ở Trung Quốc.

Doanh thu bán lẻ, thước đo chính về niềm tin của người tiêu dùng, tăng 12,7% trong tháng 5, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích là tăng 13,6% và giảm tốc nhiều so với mức tăng 18,4% của tháng 4. “Tiêu dùng vẫn là một biến số cuối chu kỳ đối với Trung Quốc, một biến số liên quan đến những thay đổi của chu kỳ kinh doanh. Nói cách khác, người tiêu dùng phải đợi cho đến khi có được công việc đảm bảo và thu nhập kỳ vọng tốt hơn, sau đó mới thoải mái chi tiêu nhiều hơn”, bà Qiao nhấn mạnh.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ là một vấn đề mang tính cấu trúc, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có dư địa để tăng cường các biện pháp kích thích nhằm giải quyết trong ngắn hạn các vấn đề mang tính chu kỳ.

“Ở thời điểm hiện tại, nếu bạn đang xem xét lạm phát CPI và lãi/lỗ trong khu vực doanh nghiệp cũng như trên thị trường lao động, tôi không cho là có bất kỳ lời giải thích nào khác, nhưng nếu nói trên phương diện chu kỳ, chúng ta có một khoảng trống sản lượng rất lớn” bà Qiao nhấn mạnh.

Khoảng trống sản lượng đề cập đến sự khác biệt giữa sản lượng thực tế của một nền kinh tế và sản lượng tiềm năng khi nền kinh tế vận hành ở mức tối đa.

Bà nói thêm: “Các chính sách kích thích phải được đảm bảo chắc chắn và phải được triển khai để vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để đưa tốc độ tăng trưởng đạt đúng mức tiềm năng dài hạn”, vị chuyên gia nói thêm.