Trung Quốc cấm bay với Boeing 737 Max sau tai nạn của Ethiopia Airlines
Lệnh cấm với dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing được đưa ra cùng ngày sau vụ tai nạn khiến 157 người chết của Ethiopia Airlines
Trung Quốc vừa ra lệnh cấm bay đối với toàn bộ các phi cơ Boeing 737 Max 8 đang được khai thác tại nước này, đồng thời gia tăng kiểm soát đối với dòng máy bay bán chạy nhất này của Boeing do có liên quan tới hai vụ tai nạn thảm khốc trong chưa đầy nửa năm qua, Bloomberg cho biết.
Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc, các hãng hàng không nước này có thời gian tới 18h chiều ngày 10/3 (giờ địa phương) để dừng bay toàn bộ 96 chiếc 737 Max mà họ đang khai thác. Lệnh cấm này được đưa ra cùng ngày chiếc 737 Max của Ethiopian Airlines rơi khi đang trên hành trình tới Kenya, làm toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn tử nạn.
Lệnh cấm bay 737 Max tại Trung Quốc - một trong những thị trường du lịch lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới - có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng của Boeing. Việc này cũng có thể đe dọa tình hình tài chính của nhà sản xuất máy bay Mỹ khi lệnh cấm từ Trung Quốc có thể kéo theo động thái tương tự từ các thị trường khác. Các hãng hàng không Trung Quốc chiếm khoảng 20% đơn giao máy bay 737 Max trên toàn cầu tính tới tháng 1/2019, theo website của Boeing.
Các khách hàng lớn nhất của máy bay Boeing 737 Max tính theo đơn đã giao và đang đặt tới tháng 1/2019 - Nguồn: Bloomberg/Boeing.
China Southern Airlines Co. hiện khai thác 16 máy bay này và đã đặt mua 34 chiếc khác, theo dữ liệu tính tới tháng 1 trên website của Boeing. China Eastern Airlines Corp. đang khai thác 13 chiếc, còn Air China Ltd. có 14 chiếc. Các hãng hàng không khác của Trung Quốc đã đặt mua 737 Max gồm Hainan Airlines Holdings Co. và Shandong Airlines Co.
737 Max chiếm gần 1/3 lợi nhuận hoạt động của Boeing và dự kiến mang về khoảng 30 tỷ USD doanh thu khi hãng này tăng công suất lên 57 chiếc/tháng trong năm nay, theo Bloomberg Intelligence.
Chiếc 737 Max xấu số của Ethiopian Airlines rời sân bay tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào lúc 8h38 phút (giờ địa phương) và mất liên lạc 6 phút sau đó. Hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay là công dân của 35 quốc gia, trong đó có 19 nhân viên của Liên hiệp quốc đang tới Kenya để tham dự một hội nghị về môi trường.
Phi công đã báo cáo gặp vấn đề không lâu sau khi cất cánh và yêu cầu được quay lại sân bay, giám đốc điều hành của Ethiopian Airlines, Tewolde GebreMariam nói. Ông cũng cho biết chiếc 737 Max 8 gặp nạn không có bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào trong chuyến bay trước đó từ Johannesburg.
Thảm họa tại Ethiopia chỉ cách 5 tháng sau vụ máy bay 737 Max của hãng hàng không Indonesia Lion Air lao xuống biển Java vào ngày 29/10 năm ngoái làm 189 người thiệt mạng. Báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn này cho thấy phi công đã không thể kiểm soát được máy bay do một lỗi chức năng trên phi cơ.
Cơ quan An toàn Giao thông Indonesia ngày 11/3 cho biết sẽ cân nhắc cấm bay đối với các phi cơ Boeing 737 Max đang được khai thác bởi các hãng hàng không nước này. Jet Airways India Ltd. và SpiceJet Ltd., hai hãng hàng không của Ấn Độ cũng đang khai thác 737 Max và giới chức Ấn Độ cũng đã yêu cầu Boeing cung cấp thông tin liên quan tới vụ tai nạn ở Ethiopia.
Cayman Airways, hãng hàng không hàng đầu tại Cayman Islands, cho biết sẽ dừng khai thác cả hai chiếc Boeing 737 Max 8 của mình từ ngày 11/3 "cho tới khi có thêm thông tin".
Trước đó, Boeing cho biết đang chuẩn bị cử một đội kỹ thuật tới hỗ trợ công tác điều tra vụ tai nạn của Ethiopian Airlines. Máy bay vừa gặp nạn của hãng này mới được đưa vào khai thác vào tháng 11 năm ngoái. Boeing cũng cho biết sẽ hoãn việc ra mắt máy bay 777X dự kiến trong tuần này bởi vụ tai nạn trên.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ, đơn vị cấp phép cho 737 Max, từ chối bổ sung thêm thông tin sau thông cáo trước đó, nói rằng đang "theo dõi sát sao tiến trình" điều tra vụ tai nạn ở Ethiopia.
Một lệnh cấm bay đối với một dòng máy bay tại Mỹ là rất hiếm và thường không được đưa ra trong quá trình điều tra một vụ tai nạn, khi mà chưa có nhiều thông tin. Lần gần đây nhất cơ quan này đưa ra lệnh cấm bay là vào tháng 1/2013 khi pin lithium-ion trên máy bay 787 của Boeing bị phát hiện quá nóng. Lệnh cấm này được đưa ra sau khi vụ việc thứ hai xảy ra.