14:18 10/06/2021

Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng luật chống trừng phạt để ứng phó với Mỹ

Ngọc Trang

Luật này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho các động thái trả đũa và cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đòi bồi thường do các lệnh trừng phạt của nước ngoài...

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục duy trì lập trường cứng rắng với Trung Quốc - Ảnh: SCMP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục duy trì lập trường cứng rắng với Trung Quốc - Ảnh: SCMP.

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng luật chống trừng phạt sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden “thổi bay” hy vọng về một lập trường chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc, tờ South China Morning Post dẫn nguồn từ giới thạo tin và giới quan sát cho biết. 

Các nguồn tin này cho hay Bắc Kinh đã bắt đầu thảo luận về đạo luật này từ năm ngoái trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, ngay khi đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy Washington sẽ có cách tiếp cận khác dưới chính quyền mới.

"THẤT VỌNG" TRƯỚC LOẠT ĐỘNG THÁI MỚI TỪ MỸ

Luật mới sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho các động thái trả đũa và cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đòi bồi thường do các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Luật này dự kiến được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua vào ngày 10/6. 

 
"Các lệnh trừng phạt và hạn chế vẫn đang được áp đặt và Trung Quốc ngày càng khó tự vệ hơn"...

“Ý tưởng này đã được đề xuất vào năm ngoái và việc xây dựng dự luật chống trừng phạt đang được triển khai, tuy nhiên tiến độ của việc này không quá nhanh bởi Trung Quốc đặt kỳ vọng vào Tổng thống Joe Biden”, một cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết. 

Theo South China Morning Post, dù chính phủ Trung Quốc chưa công bố bất kỳ chi tiết nào về luật chống trừng phạt, động thái trên cho thể là dấu hiệu cho thấy nước này sẽ không né tránh đối đầu cứng rắn hơn nữa với Washington.

“Bắc Kinh đã chờ đợi xem liệu mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ có được thiết lập lại hay không sau khi xuống dốc nghiêm trọng dưới thời ông Donald Trump. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang, với việc Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc”, một học giả cố vấn về quan hệ quốc tế cho chính phủ Trung Quốc nhận xét. 

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - Ảnh: Reuters
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - Ảnh: Reuters

Thượng viện Mỹ vào tháng 4 đã thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021"  với sự đồng thuận cao của lưỡng đảng để chống lại cạnh tranh công nghệ từ Trung Quốc. Đến nay, Washington đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc do các chính sách của Bắc Kinh tại Hồng Kông và Tân Cương.

Ông Biden cũng đã ký sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có mối liên hệ với quân đội và lĩnh vực công nghệ giám sát (nối tiếp sắc lệnh của ông Trump). Đầu tuần này, Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với quan chức Trung Quốc liên quan tới tấn công bạng, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm nhân quyền.

“Những điều này gây thất vọng lớn. Các lệnh trừng phạt và hạn chế vẫn đang được áp đặt và Trung Quốc ngày càng khó tự vệ hơn”, vị cố vấn trên cho biết. 

CĂNG THẲNG CHƯA CÓ DẤU HIỆU HẠ NHIỆT

Vài tháng gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi Trung Quốc xây dựng các công cụ tốt hơn để chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp quốc tế bày tỏ quan ngại về việc chính trị hóa môi trường kinh doanh tại Trung Quốc và kêu gọi chính phủ nước này minh bạch hơn hơn trong vấn đề pháp lý.

 
"Trung Quốc thấy rằng các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt ở cấp độ chính sách có thể không đủ, do đó phải thông qua các đạo luật"...

Hồi tháng 1, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành "quy chế ngăn chặn", trong đó yêu cầu các công ty Trung Quốc báo cáo mọi biện pháp hạn chế của nước ngoài trong hoạt động kinh tế và thương mại.

Một báo cáo của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc nhấn mạnh rằng cần phải đẩy mạnh việc xây dựng khung pháp lý nhằm ứng phó với các vấn đề như lệnh trừng phạt và can thiệp của nước ngoài. 

Theo phó giáo sư Tian Feilong của trường luật thuộc Đại học Beihang và cũng là người tham gia tham vấn về luật mới, Trung Quốc dự luật chống trừng phạt của Trung Quốc đã được đưa ra thảo luận lần đầu tiên vào tháng 4 năm nay, sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021". 

“Ban lãnh đạo trung ương đã xem xét dự luật này vào năm ngoái và cộng đồng học thuật cũng đưa ra nhiều kiến nghị. Các cơ quan pháp lý liên quan đã tiến hành nghiên cứu. Thời điểm của những việc này dựa trên những chính sách của chính quyền Biden về Trung Quốc”, ông Tian cho biết. “Các hạn chế mới của Mỹ đối với doanh nghiệp Trung Quốc là một trong những động thái khiến Trung Quốc khiến Bắc Kinh thất vọng”. 

Ông Tian cũng cho biết Bắc Kinh đang ngày càng quyết tâm hơn trong việc sử dụng công cụ pháp lý để chống lại các lệnh cấm vận, như “danh sách thực thể không đáng tin cậy” hay "quy chế ngăn chặn”. 

“Trung Quốc thấy rằng các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt ở cấp độ chính sách có thể không đủ, do đó phải thông qua các đạo luật”, giáo sư về quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét. “Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ xoa dịu căng thẳng nghiêm trọng giữa hai bên. Dự báo, cuộc đối đầu giữa các lệnh trừng phạt và trả đũa, đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ tiếp tục tích tụ và ngày càng căng thẳng hơn”.