09:57 04/06/2021

Mỹ đưa 59 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

Trang Linh

Tổng thống Biden tiếp nối lập trường cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Các nhà đầu tư Mỹ có một năm để rút vốn hoàn toàn khỏi những công ty này...

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/6 sửa đổi lệnh cấm đầu tư vào công ty Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, theo đó đưa 59 doanh nghiệp có liên quan tới quân đội Trung Quốc hoặc hoạt động trong lĩnh vực giám sát của nước này vào danh sách đen.

Danh sách này hiện có Huawei Technologies Co. và 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Trung Quốc, theo Bloomberg.

Sắc lệnh sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 12h01 ngày 2/8 (giờ New York). Các nhà đầu tư Mỹ có một năm để rút vốn hoàn toàn khỏi những công ty Trung Quốc nói trên. 

Sắc lệnh sửa đổi của chính quyền Tổng thống Biden chủ yếu là sự tiếp nối chính sách do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành. Chính sách này gây bối rối cho các nhà đầu tư về mức độ mà họ được tiếp cận với công ty con của các doanh nghiệp Trung quốc trong danh sách đen.

Lập trường của ông Biden đối với lệnh của chính quyền Trump được các nhà đầu tư Phố Wall theo dõi sát sao. Các nhà lập pháp của Mỹ cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và kêu gọi lập trường mạnh mẽ chống lại Trung Quốc về các vấn đề từ thương mại đến nhân quyền.

Nhiều công ty trong sắc lệnh sửa đổi của ông Biden đã có trong danh sách của chính quyền Trump, bao gồm 3 tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc China Mobile Communications Group Co., China Unicom Ltd. và China Telecommunications Corp..

Các công ty quân sự bị đưa vào danh sách của chính quyền Biden gồm Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc; Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc; Công ty TNHH Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc; và Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc.

Danh sách của ông Biden cũng có tên Hangzhou Hikvision Digital Technology Co., công ty phát triển camera giám sát và công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã giúp chính phủ Trung Quốc triển khai các sáng kiến “thành phố an toàn” ở Tân Cương. 

Một số công ty trong danh sách của ông Biden không có tên trong lệnh cấm ban đầu của ông Trump gồm Zhonghang Electronic Measuring Instruments Co. và Jiangxi Hongdu Aviation Industry Co.

Một số công ty khác gồm Proven Honour Capital Ltd.; Proven Glory Capital, Shaanxi Zhongtian Rocket Technology, Inner Mongolia First Machinery Group, Changsha Jingjia Microelectronic, China Avionics Systems Company, China Satellite Communications, Costar Group, Fujian Torch Electron Technology và Guizhou Space Appliance Co.

 

Sắc lệnh sửa đổi của chính quyền Tổng thống Biden chủ yếu là sự tiếp nối chính sách do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành. Chính sách này gây bối rối cho các nhà đầu tư về mức độ mà họ được tiếp cận với công ty con của các doanh nghiệp Trung quốc trong danh sách đen.

Cũng trong ngày 3/6, Bộ Tài chính Mỹ công bố hướng dẫn về chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm lệnh cấm. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết danh sách này sẽ được cập nhật luân phiên. 

Theo sắc lệnh sửa đổi của Tổng thống Biden, lệnh cấm đầu tư chỉ áp dụng cho công ty con của các công ty có tên trong danh sách được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) đưa ra. Sắc lệnh này nêu rõ lệnh cấm sẽ không còn áp dụng đối với các công ty có tên gần giống với các thực thể có trong danh sách. 

Danh sách của OFAC được đưa ra dưới sự phối hợp của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Lầu Năm Góc, được Quốc hội yêu cầu duy trì danh sách các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, cũng công bố tên của các công ty được bổ sung vào danh sách vào ngày 3/6.

Việc sửa đổi lệnh cấm của chính quyền Trump được đưa ra sau khi hai công ty Trung Quốc đã đâm đơn kiện lên tòa án Mỹ. Hồi tháng 5, một thẩm phán Mỹ đã ký lệnh loại bỏ nhà sản xuất điện thoại Xiaomi ra khỏi danh sách mà chính quyền ông Trump đưa ra trước đó. 

Nhà Trắng cho biết việc sửa đổi là cần thiết để đảm bảo lệnh cấm này hợp pháp và bền vững trong dài hạn.

Động thái trên cũng là một phần trong loạt bước đi đối đầu với Trung Quốc và củng cố quan hệ với các đồng minh của chính quyền Tổng thống Biden. Việc này cũng nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng căng thẳng.

Tháng trước, Kurt Campbell, điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền Biden, nhấn mạnh rằng thời kỳ gắn bó của Mỹ với Trung Quốc đã kết thúc và chủ đạo trong quan hệ song phương tương lai sẽ là sự cạnh tranh.