11:47 16/07/2009

Trung Quốc giành lại ngôi vị thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới

Kiều Oanh

Lần đầu tiên trong 1 năm rưỡi qua, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới

Từ đầu năm tới nay, chỉ số SCI đã tăng 75%, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn có mức tăng điểm tốt nhất thế giới.
Từ đầu năm tới nay, chỉ số SCI đã tăng 75%, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn có mức tăng điểm tốt nhất thế giới.
Lần đầu tiên trong 1 năm rưỡi qua, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Gói kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc và hoạt động tín dụng ngân hàng kỷ lục ở nước này đã và đang đẩy giá cổ phiếu tăng vùn vụt.

Theo số liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, chỉ số Shanghai Composite Index (SCI) tăng 1,4%, đưa giá trị của thị trường chứng khoán Trung Quốc lên mức 3.210 tỷ USD, cao hơn mức 3.200 tỷ USD của thị trường chứng khoán Nhật Bản, và chỉ thua mức 10.800 tỷ của thị trường chứng khoán Mỹ.

Từ đầu năm tới nay, chỉ số SCI đã tăng 75%, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn có mức tăng điểm tốt nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản chỉ tăng có 7%.

“Kinh tế Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn tăng trưởng, trong khi Nhật Bản đã là một nền kinh tế phát triển”, ông Daphne Roth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường chứng khoán châu Á tại Singapore của ABN Amro Private Banking, nhận định.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, lần gần đây nhất Trung Quốc vượt Nhật về phương diện giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán là thời kỳ từ ngày 4-24/1/2008. Sau khi tăng gấp 3 lần trong vòng 2 năm, chỉ số SCI của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt kỷ lục vào ngày 16/10/2007, trước khi bước vào một thời kỳ sụt giảm 72%, để rồi cuối cùng chạm đáy vào tháng 11/2008.

Gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 585 tỷ USD) và hoạt động cho vay kỷ lục của các ngân hàng Trung Quốc đã giúp nền kinh tế nước này tránh được những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu.

Theo số liệu công bố ngày 15/7 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của nước này đã lần đầu vượt mốc 2.000 tỷ USD, trong khi lượng cung tiền tăng với tốc độ kỷ lục 28,5% trong tháng 6.

Riêng trong tháng 6 vừa qua, những khoản vay mới của các ngân hàng Trung Quốc cung cấp đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1.530 tỷ Nhân dân tệ, dẫn tới lo ngại rằng những nỗ lực nhằm phục hồi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ dẫn tới tỷ lệ nợ xấu gia tăng và bong bóng tài sản.

Ngày hôm nay (16/7), Cơ quan Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế nước này tăng trưởng 7,9% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo của giới quan sát, và  cao hơn mức tăng 6,1% trong quý 1.

Theo công ty chứng khoán PNP Paribas Securities (Asia) Ltd., hệ số P/E (giá/thu nhập) của các cổ phiếu nằm trong chỉ số SCI của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đang ở mức 33,2 lần, cao gấp gần 3 lần mức 12,9 lần vào ngày 4/11/2008 - thời điểm mà chỉ số này ở mức đáy từ khi nổ ra khủng hoảng. Năm ngoái, hệ số EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của thị trường đã giảm 7% và được dự báo sẽ không tăng trong năm nay.

Theo chuyên gia Erwin Sanft của PNP Paribas Securities (Asia) Ltd., giá một số cổ phiếu của Trung Quốc hiện đã tăng 1.000% so với mức đáy ở cuối năm ngoái.

Trái với sức nóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc, ở Nhật Bản, tình trạng giảm phát và dân số lão hóa đã làm giảm sức mạnh của thị trường chứng khoán từng một thời lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa này.

Trong quý 1 vừa qua, kinh tế Nhật Bản sụt giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm tệ hại nhất từ khi số liệu này được theo dõi vào năm 1955. Ngân hàng Trung ương Nhật dự báo, kinh tế nước này sẽ sụt giảm 3,4% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2010. Sự sụt giảm này diễn ra đồng thời với việc chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật cách đây chưa lâu đã sụt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 25 năm.

Theo các chuyên gia, hai thách thức lớn của kinh tế Nhật hiện nay là mức nợ công lớn khiến Chính phủ khó có khả năng chi thêm tiền để kích thích tăng trưởng, và sự phụ thuộc quá nặng nề vào xuất khẩu.

Theo số liệu của Bloomberg, 4/10 công ty lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường là của Trung Quốc, trong đó PetroChina là công ty số 1. Công ty lớn nhất của Nhật Bản trong danh sách này là Toyota chỉ đứng ở vị trí thứ 25 trong xếp hạng chung. Giá trị vốn hóa thị trường của Toyota chỉ bằng khoảng 1/3 so với PetroChina.

(Theo Bloomberg)