Trung Quốc tuyên bố giảm thuế trên diện rộng để cứu tăng trưởng kinh tế
Theo ước tính, tổng giá trị của đợt cắt giảm thuế này sẽ lên tới khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 200 tỷ USD
Chính phủ Trung Quốc đang dựa ngày càng nhiều vào cắt giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang giảm tốc, thay vì ồ ạt đầu tư cơ sở hạ tầng dẫn tới tình trạng nhiều công trình không có người sử dụng như trước đây.
Theo hãng tin Bloomberg, giới chức Trung Quốc ngày 15/1 công bố một đợt giảm thuế mới "trên diện rộng" chuẩn bị được triển khai, trong bối cảnh các số liệu kinh tế của nước này ngày càng xấu. Các chuyên gia của ngân hàng JPMorgan Chase ước tính rằng tổng giá trị của đợt cắt giảm thuế này sẽ lên tới khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 200 tỷ USD, tức vào khoảng 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc.
Tháng 5/2018, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một đợt giảm thuế giá trị gia tăng đối với các ngành chế biến-chế tạo, giao thông, xây dựng, viễn thông và nông nghiệp. Trước đó, nước này có một đợt cắt giảm thuế thu nhập cá nhân. Đầu tháng này, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố giảm thuế 29 tỷ USD cho các công ty nhỏ.
Ngoài ra, trong năm 2018, Trung Quốc còn có 3 đợt giảm thuế nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho người tiêu dùng và thực thi lời hứa của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình về mở rộng cửa nền kinh tế hơn nữa.
Việc Trung Quốc dùng nhiều đến các kế hoạch cắt giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng được cho xuất phát từ nguyên nhân là nợ của nước này đang ở mức cao. Nếu Bắc Kinh tiếp tục rót vốn mạnh vào các dự án hạ tầng như đường xá, cảng biển… như đã làm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thì ổn định tài chính sẽ bị đặt vào thế nguy hiểm.
Tuy nhiên, đứng trước tình trạng kinh tế toàn cầu giảm tốc và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, không rõ liệu hướng đi mới của Trung Quốc có đủ để ổn định nền kinh tế nước này.
Theo nhận định của JPMorgan Chase, tất cả các chương trình cắt giảm thuế mà Chính phủ Trung Quốc đã triển khai tính đến thời điểm này có thể giúp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tăng thêm 0,46 điểm phần trăm.
Thông tin về kế hoạch giảm thuế mới nhất được ông Zhu Hexin, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), ông Xu Hongcai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, và ông Lian Weiliang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia (NDRC) đưa ra trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Các vị quan chức này cũng cam kết sẽ hỗ trợ tiêu dùng nhiều mặt hàng như ôtô và đồ gia dụng.
Số liệu thống kê công bố ngày 14/1 cho thấy doanh số thị trường ôtô Trung Quốc 2018 lần đầu tiên giảm trong 8 năm.
"Giảm thuế gần như là cách duy nhất để đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân và hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân", những mối lo chính của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc hiện nay, chuyên gia Wang Jian thuộc Shenwan Hongyuan nhận định. "Chính phủ Trung Quốc ngại sử dụng đến những gói kích cầu lớn, và việc nới lỏng chính sách quản lý thị trường bất động sản là điều khó xảy ra".
JPMorgan Chase dự báo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng lên mức 11,3% GDP trong năm nay, từ mức 10,7% trong năm ngoái.
Số liệu thương mại tệ hơn dự báo mà Trung Quốc công bố hôm thứ Hai cho thấy rủi ro lớn đối với nền kinh tế nước này trong quý 1. Hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kiểu nhỏ giọt đã phát huy tác dụng xoay chuyển tâm lý trong nền kinh tế thực của Trung Quốc. Tuần tới, nước này sẽ công bố thống kê về tăng trưởng kinh tế quý 4/2018 và nhiều khả năng mức tăng sẽ là yếu nhất trông gần 3 thập kỷ.
Tuần trước, hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng Chính phủ Trung Quốc có thể hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 về khoảng 6-6,5% năm nay, thay vì mức khoảng 6,5% trong năm 2018.