15:11 15/06/2010

Trung tâm hành chính ở Ba Vì: “Thời điểm nào cũng không thuyết phục!”

Nguyên Hà

Quốc hội thảo luận tại hội trường về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Đại biểu Lê Quốc Dung:"Tôi đồng tình 3/4 những nội dung mà Chính phủ trình bày trong phần quy hoạch này" - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Lê Quốc Dung:"Tôi đồng tình 3/4 những nội dung mà Chính phủ trình bày trong phần quy hoạch này" - Ảnh: TTXVN.
Sáng nay (15/6), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, nội dung này đã được thảo luận tại tổ và một số vấn đề mà các vị đại biểu còn băn khoăn đã được Chính  phủ báo cáo bổ sung. Báo cáo này nêu rõ “phải hiểu rằng toàn bộ Thủ đô Hà Nội (theo ranh giới hành chính) là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước.

Do vậy “không có khái niệm trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện “dời đô” như một số ý kiến còn băn khoăn đặt câu hỏi”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng giải thích, tại khu vực Ba Đình không có điều kiện để xây dựng tập trung tất cả trụ sở của các cơ quan đầu não của bộ máy hành chính quốc gia, mà thực tế phải bố trí phân tán ở nhiều khu vực khác nhau trong thành phố Hà Nội.

Mặc dù vậy, nhiều vị đại biểu vẫn không nhất trí với ý tưởng đưa trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì và hình thành trục Thăng Long, mặc dù, đều đồng tình cần có quy hoạch xứng tầm để xây dựng Thủ đô như mong muốn của nhân dân cả nước.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đã cho rằng, việc lựa chọn Ba Vì là nơi xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050 bao gồm trụ sở các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ là không thuyết phục và thiếu luận cứ khoa học.

"Việc này đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn, trong khi hiện nay chúng ta đã và đang bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng trụ sở các cơ quan Nhà nước xung quanh khu vực Mỹ Đình của Hà Nội, có nên lãng phí như vậy không?", vị đại biểu này đặt câu hỏi.

Còn về trục Thăng Long thì theo đại biểu Anh “không có lý do gì để xây dựng một tuyến đường đắt đỏ như vậy, vì không thể kết nối văn hóa chỉ bằng một trục đường thẳng”. Hơn nữa, hơn 1.000 ha đất lúa lại bị mất vì trục đường này.

Tiếp sau, đại biểu RCom Sa Duyên (Gia Lai) nói cho dù Ba Vì chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050 như báo cáo bổ sung của Chính phủ thì “cũng không đồng tình” vì không đúng với tinh thần của Pháp lệnh Thủ đô.

"Nếu chỉ nêu như trong báo cáo bổ sung của Chính phủ là không mang tính thuyết phục và không phù hợp", đại biểu này nhận xét.

Đồng ý quy hoạch chung thì cần tính đến đất dự trữ, song đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) lo ngại, nếu định dành đất dự trữ ở Ba Vì để xây dựng cơ quan Chính phủ thì cần xem xét cho kỹ đến khả năng có thể gây lãng phí. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, cần tiếp  thu rõ hơn, minh bạch hơn, không chỉ vì vấn đề này mà để nhân dân không đồng tình với cả bản quy hoạch.

Với trục Thăng Long, đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) cũng cho rằng không nên xây nếu không chuyển trung tâm hành chính về Ba Vì.

Bám sát nội dung giải trình bổ sung của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản bác lập luận “phải hiểu rằng toàn bộ Thủ đô Hà Nội (theo ranh giới hành chính) là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước” tại báo cáo. "Bây giờ chuyển cơ quan hành chính lên trên đấy mà mình bảo vẫn ở trong ranh giới Thủ đô Hà Nội thì tôi cho rằng không ổn", đại biểu Thuyết nói.

Bởi, theo ông, “đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thủy tận là không được, trừ khi có chiến tranh”.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, trục Thăng Long là “trục lãng phí”, đã là đường cụt lại chọc thẳng vào Ba Đình, "tức là vào trung tâm nhà của chúng ta, trung tâm của Thủ đô chúng ta, về mặt phong thủy là người ta kiêng, không có con đường nào nó lại chọc thẳng vào cửa nhà như thế", ông nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đề nghị không nên đặt tên là trục Thăng Long, nó sẽ bị lợi dụng để lôi cuốn các nhà đầu cơ bất động sản, dân ta với nhận thức chưa rõ về mặt thông tin có thể bị lợi dụng. "Tôi rất thiết tha đề nghị bỏ tên trục Thăng Long thay vào đó là trục nào đó ví dụ trục giao thông Ba Vì", ông Đào nói.

“Nên điều chỉnh tên gọi của khu đất dự trữ này”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị.

Từ phân tích là các cơ quan Chính phủ không thể phình to đến mức độ mà Mỹ Đình không đủ chỗ, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nếu cái gì dự kiến đến sau 40-50 năm nữa mới làm thì bây giờ đất dự trữ tốt nhất là đất nông nghiệp và bây giờ không bàn nó làm gì, bàn cái đó chỉ ảnh hưởng đến đầu cơ đất.

"Dường như vì có trung tâm hành chính ở Ba Vì nên mới đẻ ra trục Thăng Long - Nội Bài, phải vậy chăng, tôi đề nghị xem lại", ông Lịch nói.

Cũng rất ngạc nhiên về ý tưởng trục Thăng Long và trung tâm hành chính Ba Vì, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng “quá lãng phí”, chưa kể sẽ phá vỡ hết cảnh quan thiên nhiên của vùng Ba Vì.

Phát biểu với tư cách “không chỉ là đại biểu Hà Nội” Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo xin thêm thời gian để giải trình rõ hơn một số nội dung đại biểu còn băn khoăn.

Ông Thảo khẳng định, về trung tâm hành chính, không có chủ trương chỉ đạo nào về việc "dời đô", mà chỉ xem xét để có thể nghiên cứu một trung tâm hành chính mới.

Sau khi xem xét các mô hình thực tế và kể cả tham khảo các ý kiến của các chuyên gia thì Thủ tướng đã thống nhất quyết định không có quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mà chỉ đạo xem xét quy hoạch các địa điểm di dời các bộ, Chủ tịch Thảo cho biết.

Đối với trục Thăng Long, theo ông Thảo, thì trước tiên có thể nói đó là một trục về không gian, về kiến trúc cảnh quan đô thị, để kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì.

Trong đó, mục đích là để cùng phối hợp với 7 trục hướng tâm hiện nay của thành phố, tạo nên một trục không gian mới cũng hướng tâm từ Ba Vì và Ba Đình, ông Thảo giải thích thêm.

Kết thúc phiên thảo luận, chỉ còn duy nhất đại biểu Trần Thị Quốc Khánh không có thời gian phát biểu. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cập nhật thêm ý kiến của các vị chưa có điều kiện phát biểu hoặc phát biểu ý kiến bổ sung và sẽ gửi tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu và hoàn chỉnh đồ án.