10:21 21/09/2019

Tuần này, giá dầu tăng mạnh nhất từ đầu năm

Thăng Điệp

Dù giảm trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu Brent tăng 6,7% tuần này, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1

Giá dầu đang được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhưng cũng chịu sức ép giảm từ thương chiến Mỹ-Trung - Ảnh: Getty/CNBC.
Giá dầu đang được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhưng cũng chịu sức ép giảm từ thương chiến Mỹ-Trung - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu do lo ngại mới về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng vẫn chốt tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1 do ảnh hưởng của vụ tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu lửa Saudi Arabia vào cuối tuần trước.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,12 USD/thùng, còn 64,28 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,04 USD/thùng, 58,09 USD/thùng.

Giá dầu đi xuống cùng thị trường chứng khoán Mỹ sau khi có tin một phái đoàn quan chức nông nghiệp Trung Quốc hủy kế hoạch thăm nông trại ở các bang Montana và Nebraska vào tuần tới và về nước sớm hơn dự kiến. Thông tin này làm dấy lên lo ngại về triển vọng của vòng đàm phán cấp cao Mỹ-Trung dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10.

Trong hơn 1 năm qua, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây sức ép suy giảm lên kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng chậm lại, theo đó gây áp lực giảm giá năng lượng.

Tuy nhiên, tính cả tuần này, giá dầu Brent tăng 6,7%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1. Giá dầu WTI tăng 5,9%, chốt tuần mạnh nhất kể từ tháng 6.

Vụ tấn công xảy ra hôm thứ Bảy tuần trước nhằm vào một nhà máy chế biến dầu và một mỏ dầu lớn của Saudi Arabia đã khiến sản lượng dầu hàng ngày của quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới giảm một nửa. Trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent có lúc tăng gần 20%, mức tăng mạnh chưa từng thấy trong lịch sử.

Nhưng sau đó, giá dầu "giảm nhiệt" nhờ tuyên bố của Saudi Arabia rằng đến cuối tháng 9, nước này sẽ khôi phục được phần sản lượng dầu mất mát.

Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Vùng Vịnh do Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công, trong khi Tehran phủ nhận có dính líu. Vụ tấn công đẩy leo thang cuộc đối đầu đã kéo dài nhiều năm giữa Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia hậu thuẫn những lực lượng đối lập ở một số điểm nóng ở Trung Đông, trong đó có nội chiến ở Yemen.

Ngày thứ Sáu, một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã mở một chiến dịch quân sự ở thành phố cảng Hodeilah thuộc miền Bắc của Yemen. Trong khi đó, Mỹ đẩy mạnh hợp tác với một số nước Trung Đông và châu Âu để xây dựng một liên minh chống lại các mối nguy từ Iran.

"Vấn đề đặt ra lúc này là liệu Saudi Arabia có thể thuyết phục được thị trường rằng họ có thể giữ an toàn cho các mỏ dầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.

Phiên ngày thứ Sáu, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dữ liệu của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm tuần thứ 5 liên tiếp, với 14 giàn bị ngưng hoạt động, còn 719 giàn - con số thấp nhất kể từ tháng 5/2017.