14:14 18/10/2023

Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh hơn dự báo, kích cầu đã phát huy tác dụng?

Bình Minh

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng trong quý 3 vừa qua, chưa kể tiêu dùng và hoạt động sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc trong tháng 9...

Khủng hoảng bất động sản vẫn đang là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Khủng hoảng bất động sản vẫn đang là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy loạt biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc triển khai gần đây để hỗ trợ nền kinh tế đã bắt đầu phát huy tác dụng như mong muốn.

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hà khắc chống Covid vào cuối năm ngoái, nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 1. Sau đó, tăng trưởng suy yếu rõ rệt trong quý 2, buộc Bắc Kinh phải vào cuộc bằng các biện pháp kích cầu. Loạt số liệu công bố ngày 18/10 phản ánh đà tăng trưởng đang dần quay trở lại với kinh tế Trung Quốc, dù cuộc khủng hoảng bất động sản và những thách thức khác tiếp tục đặt ra rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

LOẠT SỐ LIỆU VĨ MÔ KHẢ QUAN

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 4,9% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này giảm nhiều so với mức tăng 6,3% ghi nhận trong quý 2 nhưng vượt kỳ con số dự báo tăng 4,4% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện.

So với quý 2, GDP quý 3 của Trung Quốc tăng 1,3%, cao hơn mức tăng 0,5% ghi nhận trong quý 2 và cao hơn con số dự báo là tăng 1%.

“Có vẻ như tất cả các biện pháp kích cầu cuối dùng đã phát huy tác dụng. Các dữ liệu về tăng trưởng, doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đều tốt hơn so với dự báo”, nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty City Index nhận định với hãng tin Reuters.

Giới chuyên gia nhận định rằng Chính phủ Trung Quốc đang phải làm một công việc khó như người đi trên dây, khi họ tìm cách lập lại sự cân bằng trong nền kinh tế giữa lúc phải đương đầu với một loạt trở ngại gồm cuộc khủng hoảng bất động sản, niềm tin suy giảm trong khu vực kinh tế tư nhân, tình trạng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, và căng thẳng Mỹ-Trung về thuơng mại, công nghệ và địa chính trị.

Để tiếp sức cho nền kinh tế, Bắc Kinh đã tung ra nhiều biện pháp, nhưng dư địa kích cầu của họ lần này bị hạn chế vì những mối lo liên quan đến khối nợ khổng lồ trong nền kinh tế và xu hướng mất giá của đồng nhân dân tệ. Năm nay, đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm giá mạnh vì chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác, nhất là với Mỹ - nơi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát trong lúc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất.

Nhiều chuyên gia nhận định đà tăng trưởng quý 3 cho thấy kinh tế Trung Quốc trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% mà Chính phủ nước này đưa ra.

“Sự cải thiện của số liệu kinh tế Trung Quốc trong quý 3 sẽ làm giảm khả năng Chính phủ nước này kích cầu thêm trong quý 4. Bởi lẽ, mục tiêu tăng trưởng 5% đã trong tầm tay”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Management nhận định. “Tâm điểm chú ý của Bắc Kinh và thị trường sẽ chuyển sang triển vọng tăng trưởng trong năm tới. Vấn đề chính là liệu Chính phủ Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu cho năm 2024 và họ sẽ nới lỏng tài khoá bao nhiêu”.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý so với cùng kỳ năm trước (màu đậm) và so với quý trước (màu đậm) của Trung Quốc - Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Reuters.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý so với cùng kỳ năm trước (màu đậm) và so với quý trước (màu đậm) của Trung Quốc - Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Reuters.

NBS cho biết Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 nếu mức tăng trưởng quý 4 vượt 4,4%.

Cũng theo báo cáo từ cơ quan này, sản lượng công nghiệp tháng 9 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng của tháng 8 nhưng cao hơn con số dự báo là tăng 4,3%. Doanh thu bán lẻ tăng 5,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,6% của tháng 8 và dự báo tăng 4,9%. Đầu tư tài sản cố định tăng 3,1% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo tăng 3,2% và mức tăng 3,2% ghi nhận trong 8 tháng đầu năm.

KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN VẪN ĐE DOẠ TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG

Tuy vậy, thị trường bất động sản vẫn đang là một mảng tối trong bức tranh kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực chiếm 1/4 nền kinh tế nước này tiếp tục chìm trong cuộc khủng hoảng không có dấu hiệu sớm kết thúc. Giới phân tích cho rằng khủng hoảng bất động sản là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc giữ cho tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng.

Theo số liệu vừa công bố, đầu tư bất động sản của Trung Quốc giảm 9,1% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 8,8% trong 8 tháng đầu năm. Country Garden - doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số - phát tín hiệu vỡ nợ sau khi không thanh toán được một khoản lãi trái phiếu quốc tế 15,4 triệu USD trước khi kết thúc thời gian ân hạn vào ngày 18/10.

Nhà kinh tế trưởng về châu Á Frederic Neumann của ngân hàng HSBC cho rằng việc có thêm một vài cá nhân doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc gặp vấn đề về tài chính sẽ không đủ để khiến gây ra những xáo trộn mới trên thị trường tài chính. “Vấn đề của các công ty bất động sản Trung Quốc, thị trường đều biết cả rồi”, ông Neumann nói.

Nhưng cho tới hiện tại, nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm kích cầu bất động sản ở các thành phố lớn vẫn chưa thể vực dậy niềm tin. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu cách đây 2 năm.

“Các số liệu kinh tế vĩ mô đang tốt hơn nhiều so với tâm lý bi quan trong lĩnh vực bất động sản. Sự thiếu đồng nhất này sẽ khiến đà tăng trưởng khó có thể được đẩy mạnh hơn nữa trong quý 4 nếu như không có sự kích cầu mạnh mẽ hơn”, nhà kinh tế Louise Loo của Oxford Economics viết trong một báo cáo.