12:23 18/11/2020

Từng từ chối phong tỏa, Thụy Điển giờ siết vội các biện pháp chống Covid-19

Bình Minh

Thụy Điển, quốc gia từng từ chối phong tỏa trong thời gian xảy ra làn sóng Covid-19 đầu tiên, giờ đây có vẻ như đã thay đổi suy nghĩ

Người Thụy Điển vẫn thoải mái tụ tập khi xảy ra làn sóng Covid-19 đầu tiên vào mùa xuân năm nay - Ảnh: Reuters.
Người Thụy Điển vẫn thoải mái tụ tập khi xảy ra làn sóng Covid-19 đầu tiên vào mùa xuân năm nay - Ảnh: Reuters.

Thụy Điển, quốc gia từng từ chối phong tỏa trong thời gian xảy ra làn sóng Covid-19 đầu tiên, giờ đây có vẻ như đã thay đổi suy nghĩ. Thay đổi này thể hiện qua việc Thụy Điển đang triển khai hàng loạt biện pháp chặt chẽ để ứng phó với làn sóng thứ hai của đại dịch.

Theo tin từ CNBC, hôm thứ Hai, Thụy Điển tuyên bố sẽ không cho phép tụ tập quá 8 người ở nơi công cộng - một sự dịch chuyển lập trường của quốc gia vốn dĩ dựa vào các biện pháp tự nguyện và hướng dẫn kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven công bố giới hạn mới về tụ tập nói trên, hạ từ giới hạn trước đây là 50 người (hoặc 300 người đối với một số sự kiện văn hóa và thể thao). Động thái này cho thấy Thụy Điển sẵn sàng áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn sự lây lan của virus corona.

"Đây là quy định mới cho toàn thể xã hội", ông Lofven phát biểu tại một cuộc họp báo. "Đề nghị không tới các phòng gym, thư viện hay tổ chức tiệc tối. Hãy hủy hết những hoạt động đó".

Lệnh cấm mới sẽ có hiệu lực từ ngày 24/11 và dự kiến kéo dài trong 4 tuần. Tuyên bố của Thủ tướng Lofven đánh dấu một bước ngoặt trong phương pháp chống dịch của Thụy Điển - quốc gia từng thu hút sự chú của cả thế giới vì nhất quyết không phong tỏa khi làn sóng Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở châu Âu vào mùa xuân năm nay.

Ở thời điểm đó, thay vì phong tỏa, Thụy Điển chỉ khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội, và làm việc tại nhà nếu có thể. Hầu hết các trường học, cơ sở kinh doanh, quán bar, nhà hàng và quán café khi đó vẫn mở cửa. Dù đối mặt với một số ý kiến chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Thụy Điển vẫn bảo vệ cách làm như vậy, nói rằng đó là cách để cân bằng giữa an toàn công cộng và bảo vệ nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng giống như phần còn lại của châu Âu, Thụy Điển không miễn nhiễm với làn sóng Covid-19 thứ hai, sau một thời gian bệnh dịch tạm lắng trong mùa hè. Tốc độ lây nhiễm gia tăng trở lại buộc Chính phủ Thụy Điển phải thay đổi phương pháp chống dịch. Tuần trước, nước này tuyên bố cấm bán rượu trong các quán bar và nhà hàng sau 10 giờ tối kể từ ngày 20/11.

Số liệu của Chính phủ Thụy Điển cho thấy số ca nhiễm hàng ngày bắt đầu tăng từ đầu tháng 10 và số ca nhập viện bắt đầu tăng vài tuần sau đó. Đầu tháng 11, số ca tử vong hàng ngày bắt đầu chạm ngưỡng hai con số.

Theo dữ liệu mới nhất, tính đến hôm thứ Sáu tuần trước, Thụy Điển có khoảng 6.000 ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 177.355 ca.

Con số này lớn hơn nhiều so với tổng số ca nhiễm của các nước láng giềng như Đan Mạch (63.847 ca, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins), Phần Lan (19.419 ca), và Na Uy (29.514 ca). Nhưng cũng cần nói thêm rằng, dân số của những nước này chỉ bằng khoảng một nửa so với 10 triệu người của Thụy Điển.

Dù vậy, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 bình quân đầu người ở Thụy Điển vẫn cao hơn nhiều so với mức của các nước láng giềng, theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch châu Âu (ECDPC).

Các nước láng giềng của Thụy Điển tỏ ra dè chừng với chủ trương chống dịch thiếu chặt chẽ trước đây của nước này, không cho Thụy Điển tham gia vào một khu vực tự do đi lại ở vùng Scandinavia trong mùa hè năm nay sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.