Thêm một vaccine Covid-19 đạt kết quả cao, thế giới tràn đầy hy vọng
Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ công bố kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 đạt hiệu quả 94,5%
Loại vaccine phòng Covid-19 của Moderna đạt hiệu quả 94,5% trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối - công ty này công bố ngày 16/11, trở thành hãng dược phẩm thứ hai của Mỹ công bố kết quả vượt xa dự báo.
Cùng với vaccine của hãng Pfizer - loại cho hiệu quả hơn 90% - công bố mới nhất của Moderna đồng nghĩa với việc Mỹ có thể có hai loại vaccine ngừa Covid-19 để sử dụng cho trường hợp khẩn cấp trong tháng 12 tới, và số liều vaccine sẵn có trong năm nay có thể đạt con số 60 triệu.
HÀNG TỶ LIỀU VACCINE CÓ THỂ ĐƯỢC SẢN XUẤT
Năm tới, Chính phủ Mỹ có thể tiếp cận với hơn 1 tỷ liều vaccine chỉ từ hai nhà sản xuất này, nhiều hơn con số cần thiết cho 330 triệu cư dân tại Mỹ.
Hai loại vaccine nói trên, đều được bào chế dựa trên một công nghệ mới có tên mRNA, là công cụ mạnh để chống lại Covid-19, đại dịch đã khiến 54 triệu người nhiễm bệnh và 1,3 triệu người tử vong trên toàn cầu. Thông tin khả quan về vaccine được đưa ra đúng vào thời điểm số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, lập kỷ lục mới ở Mỹ và đẩy một số nước châu Âu trở lại tình trạng phong tỏa.
"Chúng tôi sẽ có một loại vaccine có thể ngăn chặn Covid19", Chủ tịch Stephen Hoge của Moderna nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại.
Phân tích của Moderna dựa trên 95 ca nhiễm Covid-19 trong số những người tham gia cuộc thử nghiệm bằng cách được tiêm một giả dược (placebo) hoặc vaccine. Trong số những ca nhiễm này, chỉ có 5 người là những người được tiêm 2 mũi vaccine cách nhau 28 ngày.
"Việc có nhiều hơn một nguồn vaccine hiệu quả sẽ làm gia tăng nguồn cung vaccine toàn cầu, và cộng với sự may mắn, thế giới có thể quay trở lại tình trạng giống như bình thường vào một thời điểm nào đó trong năm 2021", giáo sư miễn dịch và bệnh truyền nhiễm Eleanor Riley thuộc Đại học Edinburg phát biểu.
Moderna dự kiến vào khoảng tuần tới sẽ có đủ dữ liệu về an toàn cần thiết để vaccine được phê chuẩn tại Mỹ. Hãng cũng dự kiến sẽ xin cấp phép để vaccine được sử dụng cho trường hợp khẩn cấp tại Mỹ sau vài tuần nữa.
Giá cổ phiếu Moderna, sau khi đã tăng gấp hơn 4 lần trong năm nay, tăng 9,1% trước khi thị trường Mỹ mở cửa. Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng đồng loạt tăng mạnh nhờ tin tốt về vaccine. Cổ phiếu Pfizer giảm 1%.
VACCINE MỚI BẢO QUẢN DỄ DÀNG HƠN
Một lợi thế của vaccine phòng Covid-19 do Moderna chế tạo là loại vaccine này không cần chế độ lưu trữ ở nhiệt độ siêu lạnh như vaccine của Pfizer, nên dễ phân phối hơn. Moderna dự kiến loại vaccine của hãng ổn định ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường là 2-8 độ C trong thời gian 30 ngày và có thể trữ 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C.
Trong khi đó, vaccine của Pfizer phải được vận chuyển và lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ âm 70 độ C, tương tự như nhiệt độ của mùa đông Nam Cực.Vaccine này có thể trữ tối đa 5 ngày trong nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn, hoặc tối đa 15 ngày trong một hộp vận chuyển giữ nhiệt.
Moderna dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Mỹ trong năm nay, trong đó hàng triệu liều đã được sản xuất và sẵn sàng được đưa vào sử dụng ngay khi được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19 được phát hiện và số ca tử vong vì bệnh này, với hơn 11 triệu ca nhiễm và 250.000 ca tử vong.
Phản ứng với đại dịch, chính quyền Tổng thống Donald Trump chủ yếu dựa vào việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị. Moderna đã nhận gần 1 tỷ USD ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Chính phủ Mỹ và đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD để cung cấp 100 triệu liều vaccine cho Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng có quyền chọn mua 400 triệu liều vaccine khác từ Moderna.
Hãng dược này hy vọng sẽ sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021, tại các nhà máy ở Mỹ và nước ngoài, tùy thuộc một phần vào nhu cầu của từng thị trường.
Chính phủ Mỹ đã nói rằng vaccine phòng Covid-19 sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân, cho dù họ có bảo hiểm y tế, không có bảo hiểm, hay thuộc diện được chi trả bởi những chương trình y tế liên bang như Medicare.
Moderna cho biết hãng sẽ sử dụng dữ liệu thử nghiệm để xin cấp phép vaccine tại châu Âu và các khu vực khác. Cơ quan chức năng châu Âu ngày 16/11 nói đang xem xét vaccine của Moderna, sau khi đã rà soát vaccine thử nghiệm của Pfizer và AstraZeneca.
Một số quốc gia khác như Trung Quốc và Nga cũng đang đẩy mạnh việc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 và bắt đầu đưa vào sử dụng. Nga cấp phép cho loại vaccine có tên Sputnik V vào tháng 8 năm nay để sử dụng trong nước, ngay cả trước khi công bố dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn của vaccine này. Hôm 11/11, Nga cho biết Sputnik V đạt hiệu quả phòng bệnh 92% trên thử nghiệm lâm sàng.