Từng vỡ nợ chính phủ, Hy Lạp vẫn đang bán trái phiếu với lợi suất âm
4 năm sau khi Hy Lạp vỡ nợ, giới đầu tư đang trả tiền cho Hy Lạp để được hưởng “đặc ân” là cho Chính phủ nước này vay tiền
Cách đây 4 năm, Hy Lạp đối mặt nguy cơ phải rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung Euro vì lâm cảnh vỡ nợ và không muốn chấp nhận những điều khoản ngặt nghèo của kế hoạch giải cứu quốc tế. Giờ đây, giới đầu tư đang trả tiền cho Hy Lạp để được hưởng "đặc ân" là cho Chính phủ nước này vay tiền.
Theo trang CNN Business, quốc gia nặng nợ nhất châu Âu đã trở thành nước mới nhất trong khu vực này bán trái phiếu chính phủ với lợi suất âm - đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư giữ trái phiếu đó cho tới khi đáo hạn, họ sẽ nhận lại số tiền ít hơn số tiền mà họ bỏ ra lúc đầu. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy lãi suất siêu thấp sẽ còn duy trì ở châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Hôm thứ Tư tuần trước, Hy Lạp bán được 478,5 triệu Euro, tương đương 537 triệu USD, trái phiếu kỳ hạn 3 tháng với lợi suất âm 0,02%. Vào đầu tuần, nước này bán lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất chỉ 1,5%.
Năm 2012, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Hy Lạp có lợi suất gần 24%.
Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với một quốc gia từng cần đến gói cứu trợ tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới và khối nợ chính phủ ở giai đoạn đỉnh điểm tương đương 180% GDP.
Hy Lạp đã nhận cứu trợ tổng cộng 204 tỷ Euro, tương đương 225 tỷ USD, từ các chính phủ trong khu vực châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong vòng 8 năm qua.
Theo điều kiện của các khoản vay này, Chính phủ Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu, giảm 25% số công chức, và cắt giảm 30% lương trong khu vực công. Như một hệ quả tất yếu, tiêu dùng ở Hy Lạp lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Nền kinh tế của nước này mất 1/4 quy mô.
Các biện pháp cải cách ngặt nghèo cuối cùng đã mang lại kết quả, một phần nhờ môi trường lãi suất âm ở châu Âu và chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Cùng với Đức, Tây Ban Nha, Italy và một số nền kinh tế nhỏ hơn như Czech, Hy Lạp giờ đây đã bán được trái phiếu với lợi suất âm.
Một số nhà phân tích nói rằng lợi suất âm của trái phiếu Hy Lạp không phải là một dấu hiệu của nhu cầu gia tăng từ nhà đầu tư nước ngoài, mà hầu hết số trái phiếu với lợi suất âm này được mua bởi các ngân hàng trong nước để dùng làm tài sản thế chấp.
Mặc dù vậy, lợi suất âm phản ánh một xu hướng tại các nền kinh tế phát triển sau khủng hoảng tài chính. Một số ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã đẩy lãi suất xuống ngưỡng âm để hỗ trợ tăng trưởng. Tháng trước, ECB hạ lãi suất sâu hơn dưới 0, về âm 0,5%.
Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, khoảng 15 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ với lợi suất âm đã được bán trên toàn cầu. Tại Đức, ngay cả trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm cũng có lợi suất âm.
"Đang có một sự dịch chuyển toàn cầu về phía lợi suất thấp hơn, đặc biệt là ở châu Âu sau những gì ECB đã làm", ông Athanasios Vamvakidis, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối nhóm nước G10 thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, nhận xét.
Tuy nhiên, cũng có những mối lo về tác động của lãi suất âm. Một số chuyên gia nói lãi suất âm gây thiệt hại cho người gửi tiết kiệm, làm xuất hiện bong bóng tài sản, và chỉ làm lợi cho người giàu. Nhiều nhà kinh tế học lập luận rằng tăng chi tiêu công sẽ là một cách hiệu quả hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế.
"Lợi suất âm đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài nói lên nhiều điều về điều kiện thị trường bị bóp méo, hơn là hồ sơ tín nhiệm quốc gia được cải thiện", Fitch nhận định.
Tuy vậy, các nhà đầu tư đang cảm thấy tin tưởng hơn vào "Chính phủ mới theo khuynh hướng cải cách" của Hy Lạp và số dư tiền mặt "ở mức cao" của nước này, theo ông Vamvakidis.
Vị chuyên gia cho rằng điều này sẽ dẫn tới thu hẹp chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Đức và lợi suất trái phiếu Hy Lạp. "Hồ sơ nợ chính phủ nói chung của Hy Lạp đang khá tốt", Fitch đánh giá.
Nền kinh tế Hy Lạp được dự báo tăng trưởng 2,1% trong 2019, ngay cả khi nhiều nền kinh tế khác ở khu vực châu Âu trượt vào suy thoái. Hoạt động của ngành sản xuất Hy Lạp tăng trưởng trong tháng 9, cho dù ngành sản xuất của châu Âu nói chung suy giảm.