Tương lai nào cho Chính phủ Anh sau khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức?
Theo hãng tin CNBC, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson ngày 7/7 đã từ chức vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ, chấm dứt nhiệm kỳ dài gần 3 năm với nhiều tranh cãi và bê bối...
Phát biểu bên ngoài Dinh Thủ tướng tại số 10 phố Downing, ông Johnson cho biết quá trình lựa chọn lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ nên được bắt đầu ngay bây giờ và lịch trình cụ thể sẽ được công bố vào tuần tới. Ông cũng cho biết dự định tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cho tới khi lãnh đạo mới của đảng được bầu chọn.
Quyết định tiếp tục tại vị Thủ tướng cho tới khi tìm được người kế nhiệm của ông Johnson được đưa ra bất chấp việc thiếu sự ủng hộ rõ ràng từ bên trong đảng của ông, chưa kể tới sức ép lớn buộc ông phải từ chức ngay lập tức.
“Tôi rất buồn khi phải từ bỏ công việc tuyệt vời nhất thế giới này. Tuy nhiên, không ai là nhân vật không thể thiếu trên chính trường”, ông nói. “Trên tất cả, tôi muốn cảm ơn các bạn, công chúng Anh, vì đặc ân to lớn mà các bạn đã dành cho tôi”.
Kết thúc bài phát biểu dài gần 6 phút với giọng điệu lạc quan, Thủ tướng Anh nói “kể cả khi mọi thứ có vẻ u ám, tương lai của chúng ta vẫn tươi sáng”.
Động thái của Thủ tướng Anh diễn ra giữa làn sóng từ chức của các thành viên Chính phủ và đảng cầm quyền từ tối ngày thứ Ba (5/7) với số lượng lên tới 60 người.
Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi là đồng minh mới nhất thúc giục ông Johnson "ra đi ngay bây giờ”. Ông Zahawi cho biết đây là cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có và “sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.
Đáng chú ý, lời kêu gọi Thủ tướng từ chức của ông Zahawi được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính.
Làn sóng từ chức này được châm ngòi bởi ông Rishi Sunak và ông Sajid Javid. Hai người này đã lần lượt từ chức Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế chỉ trong vào vài phút tối ngày 5/7 sau khi bất đồng với quyết định bổ nhiệm thăng chức cho ông Chris Pincher - quan chức bị cáo buộc sàm sỡ hai người đàn ông trong khi say xỉn – của Thủ tướng Anh đầu năm nay.
Ông Pincher đã từ chức và bị bãi bỏ tư cách nghị sĩ Đảng Bảo thủ vào tuần trước. Thủ tướng Anh vấp phải chỉ trích khi vẫn thăng chức cho ông Pincher dù biết những cáo buộc hành vi sai trái của nghị sĩ này.
Sau đó, Thủ tướng Anh đã lên tiếng xin lỗi vì việc thăng chức này. Ông cũng nhiều lần từ chối những lời kêu gọi từ chức với lý do ông còn "nhiệm vụ lớn" phải tiếp tục. Tuy nhiên, tới ngày 7/7, trước những áp lực chính trị, ông chính thức tuyên bố từ chức.
Sau tuyên bố của ông Johnson, đồng Bảng Anh tăng 0,4%, giao dịch ở mức 1,1979 USD.
Ông Johnson, 58 tuổi, từng là cựu thị trưởng thành phố London, 58 tuổi, được biết đến với khả năng xoay xở trước những bê bối chính trị. Tháng trước, ông vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do các nghị sĩ trong chính đảng của mình tiến hành với lý do ngày càng nhiều người bất mãn với sự lãnh đạo của ông. Trong cuộc bỏ phiếu kín của các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ, 211 nghị sĩ bỏ biểu ủng hộ ông Johnson và 148 người bỏ phiếu chống.
Giờ đây, tương lai của Chính phủ Anh nhận được sự quan tâm lớn. Việc ông Johnson rút lui đồng nghĩa tới đây sẽ có một cuộc đua để xác định ai sẽ trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Các ứng viên sẽ cần nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ và 2 ứng viên cuối cùng sẽ đối đầu trong cuộc bỏ phiếu của đảng này.
Cùng với ông Sunak và Javid, Ngoại trưởng Liz Truss, cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương Michael Gove, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Penny Mordaunt và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là những ứng viên hàng đầu được đề xuất tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ.
Theo hãng thăm dò dư luận YouGov, kết quả một cuộc so sánh các ứng viên cho thấy ông Wallace nhận được sự ủng hộ lớn của các thành viên Đảng Bảo thủ để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đảng này.