Tỷ giá, lãi suất và thử thách kiểm soát lạm phát
Một chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn cần kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng quyết sách
Sự kiên định chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô như tăng trưởng hợp lý, kiểm soát lạm phát đang bị thử thách, khi mà các bộ ngành có xu hướng đẩy nhanh lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng cơ bản, đề xuất lấy dự trữ ngoại hối phục vụ đầu tư công.
Hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát
Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, trước năm 2012, đánh dấu giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng nóng và chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Ở trong nước, thị trường bất động sản, chứng khoán có nguy cơ đổ vỡ, nền tài chính Việt Nam đứng trước tình thế dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Lạm phát ở mức hai con số (18,31% trong năm 2011), mặt bằng lãi suất bị đẩy lên ở mức rất cao.
Đỉnh điểm giữa năm 2012, lãi suất huy động VND lên tới trên 20%/năm, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh còn trên cả mức 25%/năm. Với mức lãi suất cho vay cao như vậy, không một dự án sản xuất, kinh doanh an toàn nào đáp ứng được mức lợi suất cao để chi trả cho chi phí vay vốn đó.
Như tác động liên hoàn, khó khăn từ thị trường 1 đã đẩy thanh khoản thị trường liên ngân hàng ở mức chấp chới đổ vỡ.
Cùng đó, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng quá nóng, có những lúc tăng trên 50% so với năm trước, nợ xấu đã gia tăng cả về quy mô lẫn tốc độ, chủ yếu do dòng vốn nóng chảy vào các lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Đã vậy, thị trường vàng liên tục nổi sóng mỗi khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế gia tăng, gây mất ổn định thị trường ngoại hối, khiến Ngân hàng Nhà nước thường xuyên phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối thời điểm đó xuống ở mức rất mỏng.
Những tác động tiêu cực từ nhiều mặt như nói trên đã bào mòn niềm tin của người dân, nhà đầu tư và thị trường đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, gây tổn thương mạnh đến giá trị VND.
Thực tế này đặt ra nhiều bài toán đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ: một mặt, kiểm soát lạm phát ổn định ở mức thấp; mặt khác, hạ mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 nhưng vẫn bảo đảm tính thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng.
Cái khó ở chỗ, muốn giảm lãi suất thì phải nới lỏng tiền tệ, nhưng như vậy thì lại kéo theo lạm phát gia tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước không sử dụng tốt các công cụ để trung hòa.
“Đây là bài toán khá nan giải vì theo lý thuyết kinh tế học thông thường, để kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất điều hành. Trong khi đó, việc tăng lãi suất điều hành lúc bấy giờ là không thể, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã ở mức rất cao”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, sau hơn ba năm thực hiện đồng bộ các công cụ, lạm phát từ mức 18,58% bình quân năm 2011 thì đến 2012 giảm xuống 9,21%; 2013; 6,6%; 2014: 4,09%.
Thậm chí, đến tháng 5/2015 lạm phát mới tăng 0,2% so với cuối năm 2014, và 5 tháng đầu năm 2015 tăng 0,83% so với cùng kỳ 5 tháng 2014.
Như vậy, cùng với việc tín dụng tăng trưởng hợp lý hơn và tổng cầu không tăng nóng, lạm phát đã được giữ ổn định về mức thấp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm về diễn biến giảm không đều của lạm phát tổng thể giai đoạn 2012-2015 là do giai đoạn 2012-2013 chịu ảnh hưởng tăng khá mạnh của việc điều chỉnh giá dịch vụ (y tế và giáo dục) trái ngược với tác động giảm mạnh của giá xăng-dầu thế giới từ nửa cuối 2014 cho đến nay.
Cùng đó, tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức hợp lý hơn: 2012: 5,25%; 2013: 5,42%; 2014: 5,98% và quý 1/2015: 6,03%.
Điều đáng chú ý, nếu xét trên mối quan hệ giữa ba chỉ số: tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nhận thấy: tốc độ tăng của tín dụng vẫn tăng dần đều từ 2012 đến tháng 5/2015 nhưng lạm phát lại có chiều hướng đi xuống rõ rệt.
Không thể chủ quan
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số ý kiến cho rằng, lãi suất trung dài hạn vẫn còn cao và cần phải giảm mạnh hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Qua trao đổi, Phòng Phân tích và Tổng hợp, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, để đạt được các mục tiêu nói trên, trong mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, hợp lý giữa các kênh, phù hợp với cung cầu vốn trên thị trường.
Từ đó, vừa kiểm soát lượng tiền cung ứng hàng năm, đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng và nền kinh tế; vừa mua được ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia; vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Liên tục từ 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hàng chục lần điều chỉnh giảm lãi suất.
Đơn cử, năm 2012, điều chỉnh giảm 6 lần các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm còn 9%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm còn 7%/năm, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 16%/năm còn 10%/năm).
Đến năm 2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 1 lần các mức lãi suất điều hành; giảm 2 lần trần lãi suất huy động vốn bằng VND; giảm 2 lần trần lãi suất huy động vốn bằng USD của khu vực dân cư, từ mức 1,25%/năm xuống còn 0,75%/năm; giảm 2 lần trần lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, từ 9%/năm xuống còn 7%/năm.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm nằm trong mối tương quan hài hòa với bài toán khối lượng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) từ năm 2012 đến nay được duy trì ở mức trung bình 16-18%, thấp hơn hẳn mức trung bình hơn 30%/năm trong giai đoạn 2007-2010.
Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế từ 2012 đến nay cũng được duy trì tốc độ hợp lý 12-14%, thấp hơn hẳn mức tăng trung bình 35,9%/năm trong giai đoạn tăng trưởng nóng 2007-2010, vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát, vừa phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, tránh tạo ra các hiện tượng bong bóng tài sản khi tín dụng chảy ồ ạt vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, với những rủi ro tiềm ẩn đến từ biến động giá dầu thô trên thị trường quốc tế, lạm phát 2015 nhiều khả năng ở mức dưới 4%.
Tuy vậy, vẫn không thể chủ quan với công tác kiểm soát lạm phát. Không thể vì thấy lạm phát đang thấp mà các bộ ngành có thể tranh thủ có những đề xuất thực hiện nhanh hơn lộ trình giá thị trường của các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, hay Bộ Tài chính lại có đề xuất hỗ trợ ngân sách Nhà nước bằng nguồn vốn vay từ quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Bởi lẽ, vẫn còn không ít nhân tố tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát lạm phát như: giá dầu thô quay đầu tăng trở lại, tổng cầu trong nước phục hồi, tín dụng tăng mạnh trở lại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nghĩa nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng quyết sách của mình, tính kỹ những lợi ích, chi phí của từng đề xuất để cân nhắc và ban hành quyết định chuẩn xác. Thực hiện đúng cam kết tỷ giá là một trong những thông điệp thể hiện sự kiên định của Ngân hàng Nhà nước trong công tác kiểm soát lạm phát.
“Suy cho cùng, việc kiên định, giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước là nhằm giữ vững giá trị của đồng Việt Nam, nhằm duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô mà cơ quan này đã kỳ cạch trong mấy năm qua”, ông Nghĩa nói.
Hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát
Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, trước năm 2012, đánh dấu giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng nóng và chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Ở trong nước, thị trường bất động sản, chứng khoán có nguy cơ đổ vỡ, nền tài chính Việt Nam đứng trước tình thế dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Lạm phát ở mức hai con số (18,31% trong năm 2011), mặt bằng lãi suất bị đẩy lên ở mức rất cao.
Đỉnh điểm giữa năm 2012, lãi suất huy động VND lên tới trên 20%/năm, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh còn trên cả mức 25%/năm. Với mức lãi suất cho vay cao như vậy, không một dự án sản xuất, kinh doanh an toàn nào đáp ứng được mức lợi suất cao để chi trả cho chi phí vay vốn đó.
Như tác động liên hoàn, khó khăn từ thị trường 1 đã đẩy thanh khoản thị trường liên ngân hàng ở mức chấp chới đổ vỡ.
Cùng đó, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng quá nóng, có những lúc tăng trên 50% so với năm trước, nợ xấu đã gia tăng cả về quy mô lẫn tốc độ, chủ yếu do dòng vốn nóng chảy vào các lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Đã vậy, thị trường vàng liên tục nổi sóng mỗi khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế gia tăng, gây mất ổn định thị trường ngoại hối, khiến Ngân hàng Nhà nước thường xuyên phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối thời điểm đó xuống ở mức rất mỏng.
Những tác động tiêu cực từ nhiều mặt như nói trên đã bào mòn niềm tin của người dân, nhà đầu tư và thị trường đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, gây tổn thương mạnh đến giá trị VND.
Thực tế này đặt ra nhiều bài toán đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ: một mặt, kiểm soát lạm phát ổn định ở mức thấp; mặt khác, hạ mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 nhưng vẫn bảo đảm tính thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng.
Cái khó ở chỗ, muốn giảm lãi suất thì phải nới lỏng tiền tệ, nhưng như vậy thì lại kéo theo lạm phát gia tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước không sử dụng tốt các công cụ để trung hòa.
“Đây là bài toán khá nan giải vì theo lý thuyết kinh tế học thông thường, để kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất điều hành. Trong khi đó, việc tăng lãi suất điều hành lúc bấy giờ là không thể, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã ở mức rất cao”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, sau hơn ba năm thực hiện đồng bộ các công cụ, lạm phát từ mức 18,58% bình quân năm 2011 thì đến 2012 giảm xuống 9,21%; 2013; 6,6%; 2014: 4,09%.
Thậm chí, đến tháng 5/2015 lạm phát mới tăng 0,2% so với cuối năm 2014, và 5 tháng đầu năm 2015 tăng 0,83% so với cùng kỳ 5 tháng 2014.
Như vậy, cùng với việc tín dụng tăng trưởng hợp lý hơn và tổng cầu không tăng nóng, lạm phát đã được giữ ổn định về mức thấp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm về diễn biến giảm không đều của lạm phát tổng thể giai đoạn 2012-2015 là do giai đoạn 2012-2013 chịu ảnh hưởng tăng khá mạnh của việc điều chỉnh giá dịch vụ (y tế và giáo dục) trái ngược với tác động giảm mạnh của giá xăng-dầu thế giới từ nửa cuối 2014 cho đến nay.
Cùng đó, tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức hợp lý hơn: 2012: 5,25%; 2013: 5,42%; 2014: 5,98% và quý 1/2015: 6,03%.
Điều đáng chú ý, nếu xét trên mối quan hệ giữa ba chỉ số: tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nhận thấy: tốc độ tăng của tín dụng vẫn tăng dần đều từ 2012 đến tháng 5/2015 nhưng lạm phát lại có chiều hướng đi xuống rõ rệt.
Không thể chủ quan
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số ý kiến cho rằng, lãi suất trung dài hạn vẫn còn cao và cần phải giảm mạnh hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Qua trao đổi, Phòng Phân tích và Tổng hợp, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, để đạt được các mục tiêu nói trên, trong mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, hợp lý giữa các kênh, phù hợp với cung cầu vốn trên thị trường.
Từ đó, vừa kiểm soát lượng tiền cung ứng hàng năm, đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng và nền kinh tế; vừa mua được ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia; vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Liên tục từ 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hàng chục lần điều chỉnh giảm lãi suất.
Đơn cử, năm 2012, điều chỉnh giảm 6 lần các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm còn 9%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm còn 7%/năm, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 16%/năm còn 10%/năm).
Đến năm 2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 1 lần các mức lãi suất điều hành; giảm 2 lần trần lãi suất huy động vốn bằng VND; giảm 2 lần trần lãi suất huy động vốn bằng USD của khu vực dân cư, từ mức 1,25%/năm xuống còn 0,75%/năm; giảm 2 lần trần lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, từ 9%/năm xuống còn 7%/năm.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm nằm trong mối tương quan hài hòa với bài toán khối lượng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) từ năm 2012 đến nay được duy trì ở mức trung bình 16-18%, thấp hơn hẳn mức trung bình hơn 30%/năm trong giai đoạn 2007-2010.
Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế từ 2012 đến nay cũng được duy trì tốc độ hợp lý 12-14%, thấp hơn hẳn mức tăng trung bình 35,9%/năm trong giai đoạn tăng trưởng nóng 2007-2010, vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát, vừa phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, tránh tạo ra các hiện tượng bong bóng tài sản khi tín dụng chảy ồ ạt vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, với những rủi ro tiềm ẩn đến từ biến động giá dầu thô trên thị trường quốc tế, lạm phát 2015 nhiều khả năng ở mức dưới 4%.
Tuy vậy, vẫn không thể chủ quan với công tác kiểm soát lạm phát. Không thể vì thấy lạm phát đang thấp mà các bộ ngành có thể tranh thủ có những đề xuất thực hiện nhanh hơn lộ trình giá thị trường của các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, hay Bộ Tài chính lại có đề xuất hỗ trợ ngân sách Nhà nước bằng nguồn vốn vay từ quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Bởi lẽ, vẫn còn không ít nhân tố tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát lạm phát như: giá dầu thô quay đầu tăng trở lại, tổng cầu trong nước phục hồi, tín dụng tăng mạnh trở lại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nghĩa nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng quyết sách của mình, tính kỹ những lợi ích, chi phí của từng đề xuất để cân nhắc và ban hành quyết định chuẩn xác. Thực hiện đúng cam kết tỷ giá là một trong những thông điệp thể hiện sự kiên định của Ngân hàng Nhà nước trong công tác kiểm soát lạm phát.
“Suy cho cùng, việc kiên định, giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước là nhằm giữ vững giá trị của đồng Việt Nam, nhằm duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô mà cơ quan này đã kỳ cạch trong mấy năm qua”, ông Nghĩa nói.