11:24 16/08/2019

Tỷ lệ phi công nước ngoài cao, khó kiểm soát và tiêu chuẩn hóa

Hà Vũ

Các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng phi công tại 50 quốc tịch

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.
Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.

Với tình trạng các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá việc này "có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá". 

Thông cáo báo chí từ Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 15/8, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chủ trì hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Phó thủ tướng đánh giá công tác bảo đảm an toàn hàng không của ngành hàng không Việt Nam đã được đảm bảo tốt hơn so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt không để xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B). Số lượng sự cố các mức C và D giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên các sự cố liên quan đến vật ngoại lai (FOD) vẫn còn cao.

Công tác triển khai, thực hiện quy trình khẩn nguy cứu nạn trong mỗi sự cố xảy ra tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam đều có sự tiến bộ lớn, thể hiện qua việc xử lý tình huống, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, doanh nghiệp liên quan và nhanh chóng đưa cảng hàng không sân bay trở lại hoạt động khai thác.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.

Đó là, vẫn còn để xảy ra một số vụ việc như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không (điển hình như vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên tàu bay).

Nguyên nhân của các vụ việc này là do lỗ hổng từ công tác tuyên truyền pháp luật về an ninh, an toàn hàng không, lỗ hổng về pháp lý và việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không.

Công tác kiểm soát khai thác còn chưa đảm bảo tuân thủ quy định đã xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay; công tác huấn luyện đào tạo cũng như chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và các chương trình đào tạo. Nâng cấp trang thiết bị huấn luyện cần phải được tiếp tục chuẩn hoá, nâng cao chất lượng giáo viên bay của các hãng hàng không.

Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đòi hỏi nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.

Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỉ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó thủ tướng đánh giá việc này "có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá".

"Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay", Phó thủ tướng yêu cầu.

Trong những tháng cuối năm, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cũng như nhiệm vụ cụ thể được giao cần quyết liệt, nghiêm túc thực hiện để đạt mục tiêu đề ra là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.