08:51 24/03/2014

“Ukraine rất sẵn sàng bảo vệ tổ quốc”

An Huy

Nguồn tin tình báo và quân sự Mỹ cho biết, quân Nga hiện đang tập trung tại gần như toàn bộ tuyến biên giới với Ukraine

Một người dân Ukraine lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin về việc tiếp nhận Crimea trên truyền hình - Ảnh: Reuters.<br>
Một người dân Ukraine lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin về việc tiếp nhận Crimea trên truyền hình - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Ukraine, ông Andrii Deshchytsia, nói rằng, nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa nước này với Nga đang gia tăng trong bối cảnh hàng nghìn quân Nga tập trung gần biên giới. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có cuộc gặp trong ngày 24/3 tại The Hauge, Hà Lan để bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

“Chúng tôi sẵn sàng đáp trả”, ông Deshchytsia phát biểu trong một cuộc trả lời phòng vấn kênh ABC ngày 23/3 được hãng tin Bloomberg trích dẫn.

“Chính phủ Ukraine đang nỗ lực sử dụng mọi biện pháp ngoại giao và hòa bình để ngăn quân Nga. Tuy nhiên, người dân Ukraine cũng rất sẵn sàng để bảo vệ tổ quốc của mình”.

Quân Nga dọc biên giới

Nguồn tin tình báo và quân sự Mỹ cho biết, quân Nga hiện đang tập trung tại gần như toàn bộ tuyến biên giới với Ukraine. Số quân thực sự được cho là cao hơn gấp đôi so với con số mà Bộ Quốc phòng Nga đưa ra khi tuyên bố lực lượng vũ trang nước này sẽ tiến hành tập trận gần Ukraine.

Một số nguồn tin nói, vài đơn vị quân Nga thậm chí chỉ còn cách biên giới với Ukraine có 31 dặm.

Cũng theo các nguồn tin trên, quân Nga tại một số điểm, bao gồm những điểm gần các hành lang dẫn tới các thành phố chính của Ukraine, đã được tăng cường xe tăng, máy bay chiến đấu và trực thăng. Cũng có những tín hiệu cho thấy, các lực lượng này nhận được nguồn tiếp tế hậu cần lớn, chứng tỏ họ đang chuẩn bị cho hoạt động kéo dài.

“Rất đáng quan ngại khi chứng kiến quân Nga tập trung gần biên giới”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken phát biểu trong một chương trình trên kênh CNN. “Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra bất ổn. Có vẻ như Nga làm vậy để đe dọa Ukraine. Rất có khả năng họ đang sẵn sàng tiến vào Ukraine”.

Viết trên tờ Telegraph của Anh, Ngoại trưởng nước này William Hauge nói rằng, việc quân Nga tập trung gần biên giới với Ukraine cho thấy nguy cơ lớn cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn. Ông Hauge cũng gọi tình hình hiện nay là “rủi ro nghiêm trọng nhất” đối với an ninh ở châu Âu trong thế kỷ 21.

Hôm nay (24/3), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đặt chân tới châu Âu nhằm tham vấn các nước đồng minh về vấn đề Ukraine. Trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, ngoài các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu, còn có các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản.

Thống tướng Không lực Mỹ Philop Breedlove, Tư lệnh tối cao Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm qua nói rằng, sự hiện diện của quân Nga ở biên giới với Ukraine là “rất rất lớn”. “Chúng tôi phải có cách nhìn khác và sẵn sàng hơn. Chúng tôi luôn muốn Nga là đối tác, nhưng giờ thì rõ ràng rằng, Nga hành động giống như một đối thủ hơn là đối tác”, ông Breedlove phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels.

Đến nay, Nga vẫn tuyên bố nước này không có ý định tiến quân vào thêm bất kỳ vùng nào của Ukraine sau khi sáp nhập Crimea. Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizov nói trên kênh BBC: “Không ai trên thế giới này phải sợ bất kỳ điều gì từ Nga”.

Donetsk đòi trưng cầu dân ý


Một số nhà quan sát cũng không tin là Nga sẽ lại đưa quân vào Ukraine. “Tôi xem khả năng Nga triển khai quân ở miền Đông Ukraine là thấp”, ông Serhiy Zgurets, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu quân sự và giải trừ vũ khí ở Kiev, nhận xét. “Điện Kremlin sẽ để quân ‘tập trận’ ở đó cho tới tận cuộc bầu cử tổng thống của Ukraine ngày 25/5 và tìm cách làm căng thẳng gia tăng đối với người dân sống ở phía Đông Ukraine”.

Tại thành phố Donetsk, nơi cách biên giới Nga khoảng 40 km, những người ủng hộ Tổng thống thân Nga bị phế truất Viktor Yanukovych đã biểu tình vào cuối tuần vừa rồi, kêu gọi ông Yanukovych về nước và đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để trao quyền lớn hơn cho các vùng ở Ukraine.

Trong khi đó, Nga đã nhất trí để các nhà giám sát quốc tế vào Ukraine. Theo dự kiến, một phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) sẽ tới Ukraine để bắt đầu giám sát trong tuần này. Việc giám sát đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc điện đàm vào cuối tuần vừa rồi.

Tại Crimea, các lực lượng thân Nga tiếp tục đẩy các đơn vị quân đội trung thành với Kiev ra khỏi vị trí, chiếm sân bay Belbek và bắt giữ tư lệnh người Ukraine Yuliy Mamchur. Theo một số nguồn tin, ông Ihor Voronchenko, Phó tư lệnh Hải quân Ukraine đã “biến mất” từ hơn một ngày trước tại thành phố Simferopol thuộc Crimea.

Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, chưa đầy 2.000 trong số 18.000 lính Ukraine ở Crimea nói muốn rút khỏi đây. Cờ Nga đã được kéo lên trên 54 trong số 67 tàu chiến của Ukraine. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho lính Nga để lính Ukraine rút lui trật tự khỏi Crima.

Đến nay, phương Tây vẫn một mực không chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng loại trừ khả năng đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine. Thay vào đó, phương Tây muốn dùng các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Nga.

“Điều quan trọng là chúng tôi sẽ không chấp nhập việc chiếm Crimea. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối việc này và không quay trở lại quan hệ bình thường với chính quyền Putin chừng nào việc chiếm Crimea chấm dứt”, Thủ tướng Canada, ông Stephen Harper, nói ở Kiev hôm 22/3.