Ưu tiên ổn định thay vì tạo áp lực bắt buộc giảm lãi suất
Nên ưu tiên ổn định mặt bằng lãi suất, tuy nhiên phấn đấu giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên
Thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng hơn, không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, thay vì tạo áp lực bắt buộc giảm lãi suất với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Đó là một trong số các giải pháp ứng phó với tình hình 2019, được TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đề xuất tại buổi làm việc của Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội với đại diện một số cơ quan, tổ chức, chiều 19/4.
Theo TS. Lương Văn Khôi, tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục dựa vào khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh.
Dự báo từ Trung tâm là tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 đạt khoảng 6,86%.
Theo ông Khôi, kênh tác động lớn nhất ảnh hưởng đển tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chủ yếu thông qua kênh thương mại do Trung Quốc, Mỹ và Châu âu đều là những thị trường quan trọng của Việt Nam.
Nhận định một tác động khác là thông qua tỷ giá, ông Khôi phân tích, mặc dù Trung Quốc đang giữ ổn định tỷ giá NDT, nhưng trong điều kiện chiến tranh thương mại tiếp diễn và kinh tế tiếp tục xuống dốc, đồng NDT sẽ có xu hướng giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác, đặc biệt là USD.
Khi đồng NDT mất giá mạnh, lợi thế cạnh tranh về giá khiến các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép cực lớn đến thị trường hàng hoá trong nước, ông Khôi phân tích.
Chiến tranh thương mại, Brexit, kinh tế Trung Quốc suy giảm cùng các động thái chính sách thắt chặt tài chính, theo nhận định của chuyên gia này sẽ gây ra các biến động các dòng tiền, từ đó ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành tỷ giá của Việt Nam. VND tăng giá so với EUR, đồng Bảng Anh và đồng NDT mất giá do các sự kiện trên sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định tỷ giá và hàng xuất khẩu giảm tính cạnh tranh.
Đặc biệt, tỷ giá với NDT có thể có những diễn biến phức tạp hơn. Đồng tiền này đã giảm giá liên tục và dự báo sẽ giảm giá sâu hơn, được coi như là phản ứng của Trung Quốc với sức ép của Mỹ. Trung Quốc cũng đã hạn chế lượng đầu tư vào Mỹ cũng như mua trái phiếu chính phủ Mỹ đến hạn chế tác động tiêu cực của việc đồng NDT giảm giá. Và vì vậy động thái tiếp tục cho giảm giá sâu có thể xảy ra để bù đắp thiệt hại về thuế.
Đề xuất một số biện pháp ứng phó, ông Khôi cho rằng nên ưu tiên ổn định mặt bằng lãi suất, tuy nhiên phấn đấu giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, giám sát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng cho bất động sản, chứng khoán.
Ông Khôi cũng đề xuất điều hành tỷ giá biến động linh hoạt về cả hai phía của biên độ hiện nay nhằm giảm các dòng vốn đầu cơ đổ vào nền kinh tế, hấp thụ các cú sốc. Tiếp tục tích lũy dự trữ ngoại hối và trung hoà hết các đợt can thiệp trên thị trường ngoại hối. Chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả đối với các cú sốc lớn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, tạo dư địa và giảm áp lực cho điều hành tỷ giá, thị trường tiền tệ những năm tiếp theo.
Cũng liên quan đến giải pháp về chính sách tiền tệ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh đề nghị nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên.
Vị lãnh đạo CIEM cũng cho rằng cần xác định rõ ràng hơn phạm vi của "tín dụng đen" để có biện pháp xử lý, tránh đánh đồng "tín dụng đen" và "tín dụng phi chính thức", qua đó hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và đáp ứng nguồn vốn phi ngân hàng cần thiết cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Cân nhắc lùi lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghiên cứu, ban hành các quy định về quản lý ngoại hối thông thoáng hơn đối với các quỹ, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo (tránh để tình trạng mang tiền vào Việt Nam thì dễ, mang ra lại khó) cũng nằm trong các kiến nghị từ bà Tuệ Anh.