“Vạ lây” các thị trường mới nổi, chứng khoán Hồng Kông rơi vào “thị trường gấu”
Chứng khoán Hồng Kông chịu tác động tiêu cực khi giới đầu tư thoái vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi
Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, rủi ro lây lan từ các thị trường mới nổi, đồng tiền giảm giá, và nền kinh tế trước nguy cơ giảm tốc. Tất cả những yếu tố này đang hội tụ ở Hồng Kông, khiến thị trường chứng khoán của vùng lãnh thổ này rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), hay còn gọi là "thị trường gấu".
Theo hãng tin Bloomberg, với mức giảm 0,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông chính thức đi vào địa hạt của trạng thái đầu cơ giá xuống. Từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 1 đến nay, chỉ số này đã giảm hơn 20%.
Vốn đã chịu sức ép từ đợt bán tháo cổ phiếu các công ty công nghệ và Internet, cũng như nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, chứng khoán Hồng Kông còn "vạ lây"bởi việc giới đầu tư thoái vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi khi khủng hoảng tiền tệ bùng lên ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
So với mức đỉnh thiết lập hôm 26/1, chỉ số MSCI Emerging Markets Index, thước đo của các thị trường chứng khoán mới nổi, hiện đã giảm 21%.
Các nhà giao dịch dự báo tiền sẽ tiếp tục chảy khỏi các quỹ dựa trên MSCI Emerging Markets Index quanh thời điểm ngày 21/9, khi các hợp đồng quyền chọn và tương lai ràng buộc với chỉ số này hết hạn.
"Các thị trường này sẽ bị bán mạnh. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến vốn tiếp tục bị rút khỏi các thị trường mới nổi quanh thời điểm hết hạn 21/9", ông Mark Tinker, trưởng bộ phận Framlington Equites Asia thuộc công ty quản lý quỹ AXA Investment Managers ở Hồng Kông, phát biểu. "Chúng tôi đang chờ tình hình tại các thị trường mới nổi ổn định trở lại. Khi đó, mọi người sẽ nhận ra là thật ngớ ngẩn khi đánh đồng các thị trường ở khu vực Bắc Á với các thị trường mới nổi".
Việc giới đầu tư bán tháo không phân biệt tại các thị trường mới nổi đã ảnh hưởng đặc biệt mạnh đến chứng khoán châu Á, một phần do có một lượng vốn lớn lên tới 2 nghìn tỷ USD được đầu tư dựa trên MSCI Emerging Markets Index.
Toàn bộ 38 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong 3 tháng qua thuộc chỉ số trên đều là cổ phiếu của các công ty đặt ở Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan. Đầu năm nay, những cổ phiếu này đều là những cổ phiếu được nắm giữ nhiều nhất. Hồi tháng 3, cổ phiếu công ty sản xuất chất bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. có mặt trong 63% số danh mục thị trường mới nổi, còn cổ phiếu Tencent có mặt trong 53% số danh mục tương tự - theo eVestment.
Lần gần đây nhất khi đáo hạn các hợp đồng quyền chọn và tương lai ràng buộc với MSCI Emerging Markets Index diễn ra vào tháng 6. Khi đó, vốn cũng bị thoái mạnh khỏi các quỹ dựa trên chỉ số này, đến nỗi quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) lớn nhất dựa trên chỉ số này bị rút 5,4 tỷ USD trong 1 tháng, mức rút vốn mạnh nhất kể từ năm 2014.
Với mức giảm tính đến thời điểm này, Hang Seng Index đang trên đà có một quý giảm tồi tệ nhất trong vòng 3 năm. Đợt giảm vào năm 2015 của chỉ số này diễn ra khi cú phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu hoảng loạn.
Với mức độ biến động của thị trường gia tăng, nhiều nhà đầu tư hiện chỉ muốn nắm giữ tiền mặt. Họ muốn thoát khỏi sự bán tháo một cách an toàn, cho dù mức định giá cổ phiếu ở nhiều thị trường châu Á đang rẻ nhất trong nhiều năm. Hệ số P/E (giá/thu nhập) của Hang Seng Index hiện chỉ ở mức chưa đầy 10 lần, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
"Nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường. Họ không muốn mắc phải lựa chọn sai ở thời điểm này", ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Oanda Corp. ở Singapore, phát biểu. "Gần đây, chúng tôi đã bán khống cổ phiếu các thị trường mới nổi, nhưng hiện giờ chúng tôi đã đóng trạng thái. Dòng vốn đang chảy theo một chiều đi ra, và tôi không cho rằng sự thoái vốn đã kết thúc".