18:09 04/06/2021

"Vaccine về Việt Nam chưa nhiều do nguồn cung khan hiếm"

Phúc Minh

Vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh - VGP/Đình Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh - VGP/Đình Nam.

Tại cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19 ngày 4/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời gian qua vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. 

RÚT NGẮN THỦ TỤC CẤP PHÉP ĐỂ DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN ĐƯỢC VACCINE

Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đều khẳng định vaccine là giải pháp mà doanh nghiệp đang rất trông chờ, để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng, đáp ứng được các đơn hàng, tận dụng được cơ hội để phát triển.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nhấn mạnh, không phải các doanh nghiệp trả tiền để được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 hay muốn tự nhập khẩu vaccine. Các doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vaccine của Chính phủ.

Theo ông Minh, các doanh nghiệp thành viên Eurocham chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động và thành viên gia đình người lao động, nhưng cần sự minh bạch và cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine.

Ngoài ra, một số thành viên của Eurocham cũng có sự chuẩn bị và sẵn sàng đóng góp vào quá trình vận chuyển, bảo quản vaccine, tham gia vào quá trình tiêm chủng.

Theo đại diện Eurocham, nhu cầu chuyên gia của các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, nếu ngừng trệ thì gây gián đoạn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất. Vì vậy, Eurocham mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành quy định cách ly phù hợp với những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng khẳng định tuân thủ chính sách của Chính phủ về thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Các doanh nghiệp mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn các bước chuẩn bị để tiêm vaccine cho người lao động như khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ…

Giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng cho biết, tất cả các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.

Đối với những vaccine Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép, nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày.

Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh - VGP. 

TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHẬP KHẨU VACCINE THUẬN LỢI 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp để Việt Nam có vaccine sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân nhất một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng khẳng định: Vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vaccine nói riêng.

Theo Phó Thủ tướng, trong lúc vaccine là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng doanh nghiệp, ngành nghề… đều muốn được tiêm trước.

Tuy nhiên, không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vaccine mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21 và nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc.

Bộ Y tế cần sớm cập nhật thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín…vào diện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình trạng sức khoẻ để đánh giá sàng lọc ban đầu, chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine.

Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vaccine không chỉ việc đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch. 

 
“Chính phủ không yêu cầu doanh nghiệp phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Dự kiến, Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150-170 triệu liều vaccine, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý điều quan trọng là tiến độ giao vaccine cũng như khả năng điều phối để các nguồn vaccine khác nhau không về cấp tập, dồn dập trong cùng một thời điểm. Đặc biệt làm sao phải có vaccine càng sớm, càng nhiều càng tốt, nhất là trước thời điểm tháng 10/2021. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, không để bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được.

Nếu vướng mắc Bộ Y tế không tháo gỡ được thì cần trình ngay lên Chính phủ giải quyết. Những nguồn vaccine thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.

Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid (antoancovid.vn) để đánh giá được sự sẵn sàng và đánh giá được nguy cơ dịch bệnh.