10:32 20/09/2018

Văn bản hướng dẫn luật, tránh bắt doanh nghiệp thêm nhiều giấy tờ

KIỀU LINH

Kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn, cần quy định thủ tục hành chính theo hướng tự động, tránh việc bắt doanh nghiệp thêm nhiều giấy tờ.

Đó là kiến nghị của ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Ban pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/9.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, thời kỳ đầu ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp rất lớn. Quá trình triển khai Luật đến nay đã 8 tháng (từ tháng 1/2018), thụ hưởng của doanh nghiệp cần phải có thêm đánh giá.

Tuy nhiên, hiện nhiều văn bản đang bị chậm, rơi vào quá trình Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư.

Do đó, ông Thạch kiến nghị các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên tiếp tục định kỳ rà soát tiến độ thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 6 tháng 1 lần, chia sẻ thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Mục tiêu tổng quát của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường, hướng tới việc có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Đánh giá tổng quan về sự phát triển của lực lượng này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận, vẫn còn tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh vì nhiều lý do. Bên cạnh khuyến khích khởi nghiệp, nếu không có đột biến rất khó thực hiện mục tiêu.

"Hiện nay, cả nước có 2,7 triệu hộ kinh doanh. Nếu muốn có 1 triệu doanh nghiệp chỉ có thể chuyển đổi từ hộ kinh doanh này sang. Chúng ta phải tính toán và báo cáo Chính phủ", ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, thời gian tới cần phải có cái nhìn bình đẳng giữa doanh nghiệp với hộ kinh doanh, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu rất lớn, sử dụng rất nhiều lao động nhưng không bị điều chỉnh bởi luật pháp tương đương so với doanh nghiệp cùng quy mô.

"Không ai có quyền bắt hộ kinh doanh phải lên doanh nghiệp. Nhưng chúng ta có quyền khi kinh doanh mô hình giống nhau. Doanh thu lớn, lao động lớn thì phải có quyền bình đẳng giống nhau", ông Nam khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện rõ ý nghĩa và chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách thiết thực, thực chất và phù hợp với yêu cầu phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị tại 3 vùng Bắc - Trung - Nam. Các doanh nghiệp có phản ánh không tích cực lắm về động thái cơ quan, bộ ngành trung ương trong việc triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Công tác tuyên truyền, thông tin giữa các địa phương chưa gặp nhau. Chuyển đổi từ hộ kinh doanh gia đình sang doanh nghiệp được miễn phí đến chi cục thuế chưa nắm được thì làm sao doanh nghiệp nắm được", Thứ trưởng nói và cho biết, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục làm việc với bộ ngành chủ chốt, đảm bảo thông tin đồng bộ kịp thời, tập hợp các chính sách liên quan của các bộ ngành thành một quyển để hướng dẫn các địa phương thực hiện.