18:03 31/01/2010

Vấn đề & sự kiện: Tháng khởi động khả quan

Hoàng Vũ

VnEconomy điểm lại một số vấn đề - sự kiện nổi bật trong tuần, từ ngày 25/1 đến 31/1/2010

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2010 theo giá so sánh 1994 ước đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 28,4% - Ảnh: TTXVN.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2010 theo giá so sánh 1994 ước đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 28,4% - Ảnh: TTXVN.
VnEconomy điểm lại một số vấn đề - sự kiện nổi bật trong tuần, từ ngày 25/1 đến 31/1/2010.

Công bố kết quả kinh tế vĩ mô tháng 1

Tuần qua, các kết quả kinh tế vĩ mô chính trong tháng đầu tiên của năm 2010 lần lượt được Tổng cục Thống kê công bố.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,36% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng của tháng 12/2009 (1,38%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 10,4% so với tháng trước, nhưng tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2009. Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 16% so với tháng trước, tăng 86,6% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu tháng 1 theo đó ước tính 1,3 tỷ USD, giảm 32,6% so với tháng trước và bằng 26,5% kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 1, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 318 triệu USD, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là vốn FDI thực hiện tháng ước tính đạt 400 triệu USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2009.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 theo giá so sánh 1994 ước đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 28,4%.

Những kết quả trên cho thấy nền kinh tế đã có tháng khởi động năm 2010 khả quan. CPI trong tầm kiểm soát, nhập siêu tiếp tục xu hướng giảm, vốn FDI giải ngân và sản xuất công nghiệp tăng khá cao.

Tuy nhiên, một điểm được lưu ý khi so sánh các kết quả so với cùng kỳ năm 2009 là bối cảnh của kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi; ngay cả tính thời điểm trong năm, tháng 1/2009 có khoảng thời gian rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày sản xuất, nhu cầu tiêu dùng có sự khác biệt…

Dự kiến đầu tuần tới, một chỉ số quan trọng khác là tăng trưởng GDP trong tháng 1 cũng sẽ được công bố.

Giữ nguyên lãi suất cơ bản 8%/năm

Ngày 26/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 134/QĐ-NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8%/năm. Các lãi suất chủ chốt khác cũng được giữ nguyên: Lãi suất tái cấp vốn là 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng là 8%/năm.

Quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước chấm dứt các đồn đoán xuất hiện nhiều trên thị trường trước đó. Theo quan điểm của nhà điều hành, hiện chưa có các cơ sở để phải tiếp tục tăng lãi suất cơ bản; mặt khác, thị trường cần có sự ổn định tương đối của chính sách.

Tuy nhiên, với giới đầu tư chứng khoán, lo ngại lãi suất cơ bản tăng lên vẫn tiếp tục “treo” trong thời gian tới, đặc biệt là với dự báo lạm phát có thể tăng cao trong tháng 2 – tháng cao điểm tiêu dùng của dịp Tết Nguyên đán.

Việt Nam bán 1 tỷ USD trái phiếu với lợi tức 6,95%

Ngày 26/1, Bộ Tài chính ra thông cáo về việc tổ chức thành công đợt phát hành trái phiếu Chính phủ lần thứ hai ra thị trường vốn quốc tế, khối lượng 1 tỷ USD, kỳ hạn 10 năm, với lợi tức là 6,95%.

Diễn ra trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính, đợt phát hành đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, tiếp tục mở ra kênh huy động vốn trên thị trường quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cho đầu tư phát triển.

Xoay quanh mức lợi tức 6,95% của trái phiếu quốc tế này hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Đề xuất thành lập Bộ Phát triển Kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đề án “Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Tại đề án này, Bộ đề xuất thành lập một trong hai cơ quan là Ủy ban Cải cách và Phát triển hoặc Bộ Phát triển Kinh tế.

Đề án này nêu: “Cần thành lập (mới hoặc từ bộ hiện có) Ủy ban Cải cách và Phát triển, hoặc Bộ Phát triển Kinh tế, có đủ thẩm quyền, năng lực và công cụ soạn thảo hoặc định hướng soạn thảo, kiểm soát nội dung và chất lượng chiến lược, chính sách phát triển kinh tế; điều phối và phối hợp, theo dõi và đánh giá việc triển khai thực hiện và hiệu quả của chiến lược, chính sách phát triển...”.

Khởi động cuộc đua giảm cước di động mới?

Tuần qua, mạng di động Viettel thông báo, từ ngày 1/2, tất cả các gói cước di động của hãng này sẽ giảm cước mạnh với mức trung bình 15%, mức giảm cao nhất lên đến 20%.

Động thái trên của Viettel diễn ra chỉ vài ngày sau khi VinaPhone công bố gói cước “VNPT - Trò chuyện thoải mái”, miễn phí cước liên lạc cho các thuê bao cố định thuộc VNPT và thuê bao trả sau của VinaPhone khi lập thành một nhóm. Và đáng chú ý, trước đó, cả Viettel và VNPT đã cùng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông áp giá sàn cho cước di động, với lập luận để chống cạnh tranh không lành mạnh và loại bỏ tình trạng các nhà mạng bán dưới giá thành.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp Viettel trở thành nhà mạng “mở màn” cho một đợt giảm cước mạnh trên diện rộng tại thị trường viễn thông Việt Nam. Nhiều khả năng ngay sau khi chính sách giá cước mới của Viettel được công bố, các nhà mạng khác cũng sẽ tiến hành đợt giảm cước mạnh.

Đặt hạn chót “tự thỏa thuận” về giá thuê cột điện

Không như mong đợi là kết quả tại buổi họp bàn để thống nhất về giá thuê cột điện giữa ba bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính với hai doanh nghiệp đang không "thuận mua vừa bán" là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), diễn ra ngày 26/1. Sau cuộc họp này, EVN và VNPT vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, ba bộ đã thống nhất giải pháp trước mắt về giá thuê là tiếp tục để hai doanh nghiệp tự thỏa thuận, nhưng đến hạn cuối cùng là 28/2, nếu các doanh nghiệp không thỏa thuận được, 3 bộ sẽ vào cuộc để xác định giá thuê.

Như vậy, hơn một năm đã trôi qua, đặc biệt “nóng” trong hai tuần gần đây, cuộc đàm phán về giá thuê cột điện để treo cáp thông tin giữa hai tập đoàn lớn của Nhà nước vẫn chưa đến hồi kết.

Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2010 tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ) diễn ra từ 25 – 31/1/2010. WEF Davos 2010 thu hút hơn 200 lãnh đạo cấp cao chính phủ và các tổ chức quốc tế, hơn 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, cùng hàng trăm học giả và báo giới quốc tế.

Diễn đàn WEF Davos năm nay tiếp tục phân tích, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua với những định hướng cụ thể nhằm tìm kiếm sự phục hồi vững chắc của các nền kinh tế.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự các cuộc thảo luận về những vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu như “Tái thiết tăng trưởng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn”, “Tái định hình nền quản trị toàn cầu”, “Suy nghĩ về cách thức đảm bảo lương thực thế giới”, “Hình thành Cộng đồng Kinh tế Đông Á trong tương lai”, “Đối thoại với các tập đoàn hàng đầu thế giới”, gặp gỡ giới truyền thông quốc tế nhằm giới thiệu về tương lai kinh tế Việt Nam, vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á tại Việt Nam…

Chiến thắng chật vật của ông Bernanke

Ông Ben Bernanke đã chính thức được tái bổ nhiệm chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, với tỷ lệ phản đối 30%, chiến thắng của ông Bernanke xem ra cũng đầy khó khăn.

Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 28/1 tại Thượng viện Mỹ, 70% số nghị sỹ đã ủng hộ việc ông Bernanke tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch FED, 30% còn lại bỏ phiếu chống.

Theo nhận định của giới quan sát, đây là một chiến thắng không hề ngọt ngào của người đứng đầu FED. Kể từ năm 1978, khi việc bổ nhiệm chức vụ này đòi hỏi phải được Thượng viện thông qua, cho tới nay, chưa ai vấp phải lắm sự phản đối đến như vậy.