Vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 1 triệu đồng/lượng, USD giảm
Nhu cầu mua vàng cầu may dịp đầu năm được cho là đang tác động không nhỏ đến giá vàng trong nước
Giá vàng thế giới bước sang ngày giảm thứ 5 liên tiếp, nhưng giá vàng trong nước giảm khá cầm chừng, khiến khoảng cách giá trong nước-thế giới bị kéo giãn. Giá USD tự do giảm trong khi giá USD ngân hàng tăng nhẹ.
Lúc hơn 10h trưa nay (22/2), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,15 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,9 triệu đồng/lượng và 37,03 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
So với giá vàng miếng, giá vàng nhẫn tròn trơn tại một số doanh nghiệp đang đứng cao hơn ở cả chiều mua vào và bán ra. Chẳng hạn, nhẫn vàng tròn trơn hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện đang được doanh nghiệp này mua vào ở mức gần 37 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức xấp xỉ 37,4 triệu đồng/lượng.
Khoảng cách giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới cũng đang tăng lên do giá vàng trong nước giảm chậm hơn so với giá thế giới. Sáng nay, có lúc giá vàng miếng SJC bán ra tại thị trường Hà Nội cao hơn giá vàng thế giới gần 1 triệu đồng, từ chỗ có lúc thấp hơn giá thế giới trước Tết âm lịch.
Một nhà kinh doanh vàng nói rằng thị trường vàng sau Tết còn chưa ổn định, nên chênh lệch giá mua-bán vàng còn lớn và khoảng cách với giá vàng thế giới có thể nới rộng. Chưa kể, giá vàng cũng có sự chênh lệch lớn nếu so sánh bảng giá tại các doanh nghiệp khác nhau.
Ngoài ra, nhu cầu mua vàng cầu may dịp đầu năm, đặc biệt là nhu cầu có thể tăng mạnh trong ngày vía Thần tài 10/1 âm lịch, cũng tác động không nhỏ đến giá vàng trong nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội như DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu… đều cho biết đã chuẩn bị tốt nguồn cung và đa dạng các sản phẩm vàng để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trong dịp này.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.730 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra), giá mua không thay đổi nhưng giá bán giảm 20 đồng so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank nâng giá USD niêm yết thêm 5 đồng, lên mức 22.680 đồng và 22.750 đồng, tương ứng giá mua và bán.
Giảm phiên thứ tư liên tục vào đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay hạ 4,7 USD/oz, còn 1.325 USD/oz. Tiếp tục giảm trong phiên sáng nay tại châu Á, giá vàng giao ngay lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam còn 1.324,5 USD/oz, thấp hơn 0,5 USD/oz so với chốt phiên Mỹ.
Vàng thế giới giảm giá do đồng USD mạnh lên. Về phần mình, đồng bạc xanh tăng giá do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất. Hôm qua, biên bản cuộc họp tháng 1 của FED được công bố, cho thấy FED lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ - một tín hiệu cho thấy việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Theo dữ liệu của Thomson Reuters, kỳ vọng FED nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tháng 3 hiện ở mức 93,5%. FED hiện đang dự báo sẽ nâng lãi suất ba lần trong năm 2018.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền mạnh khác lúc hơn 9h sáng nay đứng ở mức 90,117 điểm, sau khi đạt mức 90,166 điểm, cao nhất kể từ hôm 13/2. Chỉ số này hiện đã tăng 2,2% từ mức đáy của 3 năm 88,25 điểm thiết lập vào tuần trước.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sức ép giảm giá đối với USD vẫn còn đó, bởi thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo sẽ là xu hướng trên toàn cầu trong năm nay chứ không riêng gì ở Mỹ.