10:34 20/12/2022

Vàng trượt giá do mối lo lãi suất tăng

Điệp Vũ

Phiên ngày thứ Hai, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 1,7 tấn vàng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá vàng thế giới giảm đêm qua và sáng nay (20/12), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên do kỳ vọng lãi suất tăng. Giá vàng miếng trong nước cũng tụt theo.

Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,85 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,7 triệu đồng/lượng và 53,55 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 66,9 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.786,8 USD/oz, giảm 1,7 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ - theo dữ liệu từ Kitco. Trong phiên New York ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay giảm 5,5 USD/oz, chốt ở 1.788,5 USD/oz.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương gần 51,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 15,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm dù đồng USD chững giá, với chỉ số Dollar Index đo sức mạnh bạc xanh dao động trong khoảng 104,6-104,7 điểm. Đã giảm hơn 2,3% trong vòng 1 tháng trở lại đây, Dollar Index đã tăng hơn 9% từ đầu năm đến nay.

Áp lực đối với giá vàng đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vì mối lo của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất lên cao hơn và duy trì đỉnh lãi suất đó trong thời gian lâu hơn so với dự kiến ban đầu để chống lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên gần mức 3,6%, dù đã giảm từ đỉnh của 15 năm là 4,6% thiết lập trong tháng 10, lợi suất này hiện vẫn tăng gấp hơn 2 lần từ mức 1,6% vào đầu năm.

Những ngày cuối năm, giao dịch vàng trên thị trường quốc tế diễn ra thưa thớt do nhà đầu tư chuẩn bị bước vào những ngày nghỉ lễ. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ những dữ liệu và thông tin mới sau các cuộc họp ngân hàng trung ương vào tuần trước.

“Chúng ta đang chứng kiến một ngày giao dịch trầm lắng. Giá vàng đang chờ những dữ liệu mới sau dữ liệu gần đây từ các ngân hàng trung ương”, nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định.

Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và giờ chưa phải là lúc bàn đến chuyện hạ lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Theo ông Wyckoff, giá vàng có thể giằng co cho tới hết năm, nếu các quỹ lớn xem vùng giá dưới 1.800 USD/oz để tranh thủ mua vào.

Phiên ngày thứ Hai, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 1,7 tấn vàng, nâng nắm giữ lên hơn 912,1 tấn.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh - một điều đã được lường trước khi nước này nới lỏng các quy định chống dịch. Sự gia tăng của số ca nhiễm mới gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ vàng. Dù vậy, Bắc Kinh cho biết sẽ đẩy mạnh các biện pháp ổn định nền kinh tế. Khi kinh tế Trung Quốc khởi sắc, nhu cầu vàng vật chất của nước này có thể tăng theo.

Năm nay, sự suy giảm nhu cầu vàng của Trung Quốc do Covid là một nhân tố đặt ra trở ngại đối với giá vàng, bên cạnh đồng USD tăng giá mạnh và lãi suất tăng trên toàn cầu. Tính từ đầu năm, giá vàng đã giảm gần 1%, dù có lúc vượt mốc 2.000 USD vào tháng 3.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.620 đồng (mua vào) và 23.900 đồng (bán ra), tăng 100 đồng so với sáng qua, nâng tổng mức tăng trong 2 ngày lên 180 đồng.