VCBS tổ chức thành công buổi hội thảo “CP-TPP và Thị trường Đầu tư Việt Nam”
Hội thảo "CP-TPP và Thị trường Đầu tư Việt Nam", thu hút hơn 50 đại biểu - là đại diện của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính có uy tín trong và ngoài nước
Ngày 3/4 vừa qua, tại Hà Nội, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã tổ chức thành công buổi hội thảo "CP-TPP và Thị trường Đầu tư Việt Nam", thu hút hơn 50 đại biểu - là đại diện của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính có uy tín trong và ngoài nước.
Buổi hội thảo đã góp phần mang đến bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam dưới sự tác động của Hiệp định CP-TPP cũng như mở ra các cơ hội đầu tư trong năm 2019 thông qua chia sẻ của các đại diện đến từ các Vụ Đa biên, Vụ Xuất xứ hàng hóa - Bộ Công Thương, đơn vị trực tiếp tham gia vào quá trình thương thảo trong hiệp định và các lãnh đạo, đại diện các Hiệp hội ngành Dệt may, Thủy sản, Vận tải giao nhận…
Khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Như Trang - Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức VCBS nhấn mạnh những tác động đáng lưu ý của Hiệp định CPTPP vào nền kinh tế Việt Nam đối với các ngành trọng điểm được thị trường đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm, bao gồm dệt may, thuỷ sản, vận tải - cảng biển và bất động sản khu công nghiệp và mong muốn Hội thảo này của VCBS sẽ góp phần đem đến các góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ Trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương- thành viên đoàn đàm phán chính phủ, đánh giá CPTPP là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, chứa đựng những cam kết sâu rộng hơn các hiệp định thương mại tự do khác, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về cải cách thể chế. Ông cũng kỳ vọng hiệp định CP-TPP sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển cho các ngành xuất nhập khẩu như thủy sản, dệt may, vận tải - cảng biển.
Ông Khanh nhận định một số lợi ích Chiến lược của hiệp định CPTPP với Việt Nam gồm: Cải cách thể chế, nâng cao tính minh bạch: đề phù hợp với CPTPP Việt Nam cần sửa đổi các văn bản pháp luật, áp dụng nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa Dịch vụ và Đầu tư. Lợi ích mang tính cộng hưởng khi kết hợp với các FTA khác hoặc CPTPP được mở rộng thành viên. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư có hàm lượng công nghệ cao. Tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước.
"Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có nền tảng xuất khẩu vững chắc, có chuỗi cung ứng … hoặc có cơ cấu tổ chức và hoạt động lành mạnh về cảng biển, Logistics và Bất động sản", ông Khanh chia sẻ thêm quan điểm của mình.
Tiếp theo đó, bà Trịnh Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, đã trình bày tóm tắt và chia sẻ các thay đổi về thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hoá khi Hiệp định CP-TPP được áp dụng. Bà cũng chỉ ra những thuận lợi và rủi ro các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý để tận dụng tối đa những lợi ích của Hiệp định CP-TPP.
Bà Hiền cho rằng Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "phòng tránh gian lận thương mại". Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa sẽ được cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi và đây mới là "giấy thông hành" - cam kết pháp lý quan trọng nhất để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Bên cạnh đó, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam sâu và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác.
CPTPP sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
Bà Hiền chia sẻ thêm riêng đối với Ngành dệt may, việc khai thác ưu đãi thuế không dễ bởi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe. Với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu như trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1 - 2 công đoạn, thì hiệp định CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Đây là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện nay đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP. Do đó, doanh nghiệp phải giải quyết nguồn nguyên liệu thông qua tìm kiếm nguồn nhập nguyên liệu nội khối.
Bà Hiền cũng đưa ra kết luận, ngoài CPTPP, Việt Nam cũng đang trong quá trình thực thi nhiều Hiệp định FTA khác. Do đó, các doanh nghiệp cần có các cân nhắc, so sánh kỹ càng CPTPP với các FTA liên quan đến biểu thuế quan cũng như quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định này.
Đối vứi hoạt động đầu tư, bà Hiền khuyến nghị doanh nghiệp cần tránh xu hướng "đầu tư lướt ván" mang tính ngắn hạn và hạn chế hiện tượng các Quốc gia khác tân dụng Quy tắc xuất xứ của Việt Nam để hưởng lợi.
Tiếp nối chương trình, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Khối Phân tích nghiên cứu VCBS đã điều phối buổi tham luận và trao đổi mở giữa các nhà đầu tư tổ chức với các tham luận viên đến từ Bộ Công Thương, các Hiệp hội và doanh nghiệp.
Thông qua buổi tham luận, các nhà đầu tư đã có cơ hội đối thoại trực tiếp để giải đáp các thắc mắc nhìn nhận, đánh giá các lợi thế, các nhóm hàng được hưởng lợi. Các nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến ngành dệt may, thuỷ sản và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong thời gian tới. Ngành cảng biển, Logistic cũng được nhắc đến với các tiềm năng cảng nước sâu đang được nhà nước tập trung quy hoạch, nhưng chưa được khai thác hiệu quả và triệt để, cần các biện pháp mua bán, sáp nhập (M&A) để tăng quy mô và tăng hiệu quả bền vững.
Buổi hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình "VCBS Corporate Access 2019" kết thúc tốt đẹp, mở ra cho Nhà đầu tư những thông điệp về các thách thức, cơ hội và rủi ro,… Từ đó mang đến cho nhà đầu tư các ý tưởng đầu tư hiệu quả hơn trong tương lai.