17:28 02/04/2018

Vệ tinh Trung Quốc nổ ở Thái Bình Dương khi trở về Trái Đất

Bình Minh

Chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến nhanh chóng

Một mô hình của vệ tinh Thiên Cung 1 ở Chu Hải, Trung Quốc, tháng 11/2010 - Ảnh: AP/Bloomberg.
Một mô hình của vệ tinh Thiên Cung 1 ở Chu Hải, Trung Quốc, tháng 11/2010 - Ảnh: AP/Bloomberg.

Vệ tinh vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc đã trở về Trái Đất vào ngày 2/4 và phát nổ trước khi rơi xuống phía Nam của Thái Bình Dương.

Hãng tin Reuters dẫn lời cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết phần lớn của vệ tinh Thiên Cung 1 đã bốc cháy khi hồi quyển vào lúc 8h15 sáng ngày thứ Hai theo giờ Bắc Kinh. Tuy nhiên, tuyên bố của cơ quan này không nói cụ thể các mảnh vỡ của vệ tinh có thể đã rơi xuống đâu.

Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc nói dự kiến vệ tinh Thiên Cung 1 sẽ trở lại khí quyển Trái Đất ở khu vực ngoài khơi bờ biển Brazil ở phía Nam của Đại Tây Dương, gần thành phố Sao Paulo hoặc Rio de Janeiro.

Trung đoàn Kiểm soát không lưu số 18 thuộc không quân Mỹ - đơn vị chịu trách nhiệm phát hiện và theo dõi các vật thể nhân tạo trên quỹ đạo Trái Đất - cũng cho biết đã theo dõi vệ tinh Thiên Cung 1 khi vệ tinh này hồi quyển ở phía Nam Thái Bình Dương. Một tuyên bố của trung đoàn cho biết đơn vị đã phối hợp với phía Australia, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh xác nhận sự hồi quyển của vệ tinh này.

Theo nhà vật lý vũ trụ Brad Tucker thuộc Đại học Quốc gia Australia, các mảnh vỡ của Thiên Cung 1 có thể đã rơi xuống khu vực cách quần đảo Tahiti 100 km về phía Tây Nam. Theo ông Tucker, dù 90% vệ tinh đã cháy và chỉ khoảng 10% rơi xuống Trái Đất, thì tổng trọng lượng của những mảnh vỡ còn lại vẫn có thể lên tới 700-800 kg.

"Chắc chắn những mảnh vỡ nhỏ đã rơi xuống", ông Tucker nói với Reuters. "Nhiều khả năng các mảnh vỡ đã rơi xuống biển, và dù mọi người có bắt gặp, thì trông chúng cũng giống như những mẩu rác đại dương khác, và chúng có thể nằm rải rác trên diện tích hàng nghìn km vuông".

Vệ tinh Thiên Cung 1 với chiều dài 10,4 mét được phóng vào năm 2011 nhằm phục vụ cho các thí nghiệm không gian trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh đặt mục tiêu phóng một trạm vũ trụ vĩnh viễn lên quỹ đạo vào năm 2023.

Theo kế hoạch ban đầu, Thiên Cung 1 sẽ hoàn thành nhiệm vụ và hồi quyển vào năm 2013, nhưng kế hoạch sau đó được gia hạn.

Chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến nhanh chóng kể từ khi nước này lần đầu tiên đưa phi hành gia lên không gian vào năm 2003 và trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Nga và Mỹ, làm được điều này. Trung Quốc đã đưa được một tàu thăm dò lên sao Hỏa và có nhà du hành bước ra ngoài không gian.

Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ đưa thêm một tàu thăm dò nữa lên sao Hỏa và thu thập mẫu đất đá trên hành tinh này vào năm 2020. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dự kiến sẽ trở thành quốc gia đầu tiên hạ một tàu thăm dò xuống phần xa của Mặt Trăng.