09:30 17/12/2020

Vì sao các doanh nghiệp bảo hiểm "miễn nhiễm" với Covid?

TÚ UYÊN

Những khó khăn do dịch Covid-19 đã trở thành động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi, đẩy nhanh việc cải tiến hoạt động, đổi mới công nghệ

Thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã chứng kiến những cuộc đua mạnh mẽ trong đầu tư công nghệ. Những tên tuổi lớn đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nhanh chóng đáp ứng sự thay đổi của xã hội và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Không chỉ có tài chính, ngân hàng, giáo dục, bất động sản, bảo hiểm cũng là ngành đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Ngoài câu chuyện phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, sự tăng tốc đầu tư chuyển đổi số còn là cách để các công ty bảo hiểm phát triển, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng để hút khách nhiều hơn.

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Công ty Hanwha Life Việt Nam vừa công bố hoàn thiện hệ sinh thái số bằng việc tự động hóa các quy trình nghiệp vụ bảo hiểm phục vụ khách hàng và kinh doanh. Theo đó, các quy trình nghiệp vụ bảo hiểm phục vụ cho khách hàng được tự động hóa trên nền tảng trực tuyến như Cổng thông tin khách hàng (Customer portal), Trung tâm chăm sóc khách hàng đa kênh, Số hóa kênh thanh toán phí và Chi trả bồi thường nhanh JetClaim...

Ngoài ra, Hanwha Life còn kết nối với các ngân hàng thương mại, ví điện tử, các cổng thanh toán điện tử và điểm thu trực tiếp. Cụ thể, trong quý III/2020, Hanwha Life liên tiếp hợp tác với các đối tác FinTech như MoMo, Payoo, Viettel Pay và QRCode-VNPay để số hóa kênh toán phí bảo hiểm. Bên cạnh đó, mạng lưới thanh toán phí của Hanwha Life hiện phủ sóng rộng khắp khi kết nối với các ngân hàng thương mại lớn và đối tác thu phí trực tiếp tại 23.000 điểm giao dịch của Việt Nam Post, Viettel Post và các cửa hàng liên kết với đơn vị thanh toán trung gian Payoo, giảm giao dịch tiền mặt trên thị trường.

Tương tự, câu chuyện chuyển đổi số tại Chubb Life Việt Nam là cả một chiến lược lâu dài với lộ trình bài bản. Hành trình này bắt đầu từ năm 2018 và đến nay, Chubb Life đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ số vào việc kinh doanh. Theo Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, ông Lâm Hải Tuấn, Chubb Life không chạy đua số hóa với bất cứ công ty nào, mà chỉ tăng cường đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số vì lợi ích hướng đến khách hàng, đội ngũ kinh doanh và nhân viên.

"Mục tiêu của việc ứng dụng số hóa trong kinh doanh là để hướng đến lợi ích cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến những trải nghiệm mới hơn cho khách hàng khi giao dịch với Chubb Life Việt Nam, từ khâu tìm hiểu sản phẩm, minh họa quyền lợi sản phẩm, tham gia sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến, cập nhật thông tin trong hợp đồng bảo hiểm, đến thanh toán phí bảo hiểm... Tất cả đều có thể thực hiện trực tuyến, qua các công cụ như eApplication, ePolicy, eService, eClaims...", ông Tuấn nói thêm.

Bảo Việt Nhân thọ cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ công nghệ 4.0 và thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, quy trình yêu cầu bảo hiểm và phát hành hợp đồng của Bảo Việt Nhân thọ  được số hóa, cho phép triển khai toàn bộ quy trình tham gia bảo hiểm nhân thọ trực tuyến từ kê khai giấy yêu cầu bảo hiểm online, ký điện tử đến thanh toán online... giúp giảm tối đa thời gian phát hành hợp đồng. 

Quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm cũng được rút ngắn tối đa dựa vào công nghệ với thời gian 15 phút. Ông Phạm Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Bảo Việt Nhân thọ  cho biết: "Đầu tư công nghệ là một trong những mục tiêu chiến lược của Bảo Việt Nhân thọ , giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, thu hút, nâng cao chất lượng dịch vụ và chinh phục thị trường khách hàng trẻ ngày càng thành thạo và say mê công nghệ".

Bảo Việt Nhân thọ  cũng đưa hệ thống trả lời chatbot thông minh 24/7, Tổng đài Bảo vệ gia đình Việt với các bác sĩ uy tín tư vấn về sức khỏe miễn phí vào hoạt động; triển khai ứng dụng MyBVLife giúp khách hàng trực tiếp tra cứu thông tin, hóa đơn điện tử về các hợp đồng bảo hiểm, thanh toán phí bảo hiểm trực tuyến nhanh chóng. Năm 2020, Bảo Việt Nhân thọ giới thiệu chương trình Loyalty dựa trên công nghệ blockchain và trong tháng 12 này, công ty sẽ ra mắt sản phẩm online Life Care - bảo hiểm bệnh ung thư tích hợp đột quỵ, hứa hẹn nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Công ty bảo hiểm FWD cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào công nghệ và sử dụng công nghệ như nền tảng để "thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm". Tháng 9/2020, FWD triển khai thành công dịch vụ giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến 24h (24h E-Claim) áp dụng cho tất cả các sản phẩm có quyền lợi trợ cấp viện phí và chi phí phẫu thuật với chỉ 1 phút gửi yêu cầu, 30 phút nhận kết quả, 24 giờ nhận quyền lợi và đặc biệt, mọi thao tác đều hoàn toàn trực tuyến.

Với Generali, đầu tư công nghệ cũng được tập đoàn này chú trọng từ rất sớm. Generali xác định một trong ba trụ cột của chiến lược 2019 - 2021 của tập đoàn là tăng cường sáng tạo và chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ kỹ thuật số. Tập đoàn này tuyên bố dành 1 tỷ Euro để đầu tư vào công nghệ. Đây sẽ là sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho Generali Việt Nam.

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, Generali tập trung phát triển công nghệ và đặc biệt ưu tiên tập trung vào những công nghệ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và đội ngũ tư vấn viên. Ngoài Hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng mọi lúc, mọi nơi (GENPS) và ứng dụng GenClaims (nhận được câu trả lời trong vòng 30 phút), Generali vừa giới thiệu ứng dụng thu phí tiền mặt sử dụng công nghệ số GenPay, giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề "đau đầu" của các công ty bảo hiểm bấy lâu nay.

MIỄN NHIỄM VỚI COVID

Theo các chuyên gia ngành bảo hiểm, những khó khăn do dịch Covid-19 đã và đang trở thành động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi, đẩy nhanh việc cải tiến hoạt động, đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng.

Nếu trong quá khứ, để phát hành một bộ hợp đồng bảo hiểm, đội ngũ tư vấn viên/tư vấn bảo hiểm của các công ty bảo hiểm phải thu thập đủ hồ sơ và chứng từ bằng giấy, mang đến văn phòng đại lý và phải xếp hàng rất lâu để chờ đến lượt. Nhưng nay, phương thức này thay đổi hoàn toàn nhờ công nghệ.

Việc nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hiện nay hầu như được thực hiện trực tuyến tại hầu hết các công ty bảo hiểm Manulife, Prudential, Chubb Life, Generali, FWD... Thông tin từ các công ty bảo hiểm cho thấy, hơn 80% hợp đồng mới được thực hiện qua online. Một số hãng bảo hiểm lớn còn phát triển các chương trình huấn luyện và đào tạo đại lý thông qua các phần mềm thông minh trên thiết bị di động như iPhone, iPad,...

Tại FWD, toàn bộ quy trình nghiệp vụ đã hoàn toàn được số hóa, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, tư vấn và nộp hồ sơ bảo hiểm, theo dõi và phát hành hợp đồng đến bồi thường bảo hiểm đều được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số. 100% hợp đồng bảo hiểm tại FWD là hợp đồng điện tử.

Tương tự, 100% hồ sơ yêu cầu bảo hiểm tại Hanwha Life cũng được tự động hóa với hệ thống E-submission. Cùng với E-submission, các nền tảng hiện đại khác như FC-portal dành cho hoạt động kinh doanh và E-recruitment dành cho hoạt động tuyển dụng trực tuyến đã giúp cho đội ngũ tư vấn tài chính hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn công ty.

Việc chú trọng đầu tư và áp dụng những công nghệ mới không chỉ mang lại sự tiện lợi cho khách hàng, mà còn giúp doanh nghiệp bảo hiểm đạt được những kết quả kinh doanh như mong đợi, sớm hoàn thành kế hoạch đề ra, đưa ngành bảo hiểm trở thành một trong những ngành "cứu cánh" cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Nhờ chuyển đổi số và dịch Covid, ngành bảo hiểm nhân thọ đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong kinh doanh. Tại Chubb Life Việt Nam, chuyển đổi số giúp tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty không bị ảnh hưởng nhiều dù trải qua 1 năm dịch bệnh với 2 lần giãn cách. "Nhờ sử dụng những công cụ số như eApplication, ePolicy, eService, eClaims... trong các hoạt động tuyển dụng, kinh doanh, Chubb Life đã vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch, tuy không dễ dàng nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều ngành khác", ông Lâm Hải Tuấn tự tin nói. Tại Bảo Việt Nhân thọ, việc chuyển số giúp doanh nghiệp này duy trì vị trí số 1 về tổng doanh thu phí, nắm giữ khoảng 22,9% thị phần. Và nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng khá lạc quan với kết quả kinh doanh của mình, khi tốc độ tăng trưởng doanh thu vẫn đạt trên 2 con số.