11:06 07/04/2011

Vì sao lao động bị tai nạn ở Malaysia khó được nhận bảo hiểm?

Vũ Quỳnh

Tỷ lệ lao động tử vong tại Malaysia nhận được bảo hiểm chi trả chỉ chiếm khoảng 25-30%

Malaysia đã từng là thị trường "vàng" của xuất khẩu lao động Việt Nam.
Malaysia đã từng là thị trường "vàng" của xuất khẩu lao động Việt Nam.
Malaysia đang được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động triển vọng của năm 2011 khi nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư năm nay lên đến 90.000 người.

Tuy nhiên, đang có một thực tế ở thị trường "vàng" của xuất khẩu lao động Việt Nam một thời là lao động không may bị tai nạn rất khó được nhận bảo hiểm. Tỷ lệ lao động tử vong tại Malaysia nhận được bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 25-30%.

Theo Luật bảo hiểm của Malaysia, quy định  về mức được hưởng dành cho lao động không may bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong là 23.000RM đến 25.000 RM (khoảng 8.000 USD)/người, mức thương tật tùy vào từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tỷ lệ mất khả năng lao động.

Cụ thể, lao động tử vong do tai nạn lao động trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 18.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản, ngoài ra bảo hiểm chi trả thêm 7.000 RM/lao động theo hệ thống chi trả bảo hiểm lao động FWCS, theo đó tổng chi trả bảo hiểm không quá 25.000 RM/lao động.

Nếu lao động bị tai nạn dẫn đến vĩnh viễn mất khả năng lao động toàn phần trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn thì mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 23.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản….

Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều trường hợp người lao động tử vong từ năm 2009 nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động, cũng như sự hỗ trợ từ phía chủ sử dụng nước sở tại và doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Đây là lý do khiến một số gia đình có người thân bị tử vong đã có đơn thư gửi cơ quan chức năng đề nghị can thiệp đòi quyền lợi bảo hiểm cho thân nhân họ.

Một doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước cho biết, trên thực tế có rất nhiều lao động Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm khi đi làm việc ở nước ngoài không may gặp rủi ro. Đặc biệt là thị trường Malaysia.

Số liệu tổng hợp từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cũng cho thấy, từ năm 2002 đến nay có khoảng gần 700 lao động Việt Nam chết tại Malaysia do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phía Malaysia mới trao khoảng 200 tấm séc chi trả bảo hiểm cho người lao động Việt Nam.

Trao đổi với VnEconomy, đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, có nhiều lý do gây ra việc chậm trễ trong việc thanh toán bảo hiểm cho lao động.

Có rất nhiều trường hợp lao động bị tai nạn tử vong nhưng không được bảo hiểm (như tử vong liên quan đến tội phạm, đánh giết nhau; do chết ngoài thời gian làm việc; chết do bệnh tật sinh ra không phải do công việc lao động …). Ngoài ra, cũng có  một số chủ sử dụng lao động thiếu trách nhiệm hoặc chậm trễ trong việc làm các thủ tục cần thiết để người lao động bị tai nạn được nhận bảo hiểm.

Tuy nhiên, nguyên nhân được cho là cốt yếu ở đây, theo một chuyên gia trong giới này nhìn nhận là do vướng mắc trong thủ tục phối hợp thông tin giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia.

Thực tế, phần lớn những trường hợp chưa giải quyết được bảo hiểm vì hồ sơ chưa được hoàn tất do phía Malaysia không có đủ thông tin về gia đình hoặc người thụ hưởng liên quan. Có không ít trường hợp cơ quan lao động đã có thông báo tới Sứ quán về trường hợp thuộc diện nhận bảo hiểm nhưng chưa thể hoàn tất hồ sơ do thông tin về người thụ hưởng, địa chỉ tại Việt Nam, số điện thoại liên hệ không có hoặc thiếu chính xác.

Vấn đề khó khăn là, hồ sơ phía Malaysia chuyển cho Sứ quán lại không bao giờ đề cập đến công ty xuất khẩu lao động Việt Nam (nơi nắm giữ rõ nhất thông tin lao động), do luật pháp nước bạn không chính thức công nhận tư cách pháp nhân của các công ty môi giới cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Malaysia.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, trách nhiệm chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam không báo cáo đầy đủ khi có lao động tử vong. Nếu thực trạng này không được cải thiện, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Malaysia, nơi đang có gần 70.000 lao động Việt Nam sống và làm việc.