Vì sao ông Powell lại phát biểu cứng rắn ngược với thông điệp trong tuyên bố của Fed?
Tuyên bố của Fed đã phát tín hiệu về sự giảm tốc của tiến trình tăng lãi suất, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên trong cuộc họp báo sau đó, chủ tịch Fed Powell lại gây sốc khi nói rằng “mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này sẽ phải cao hơn nhiều so với dự tính trước đây”...
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/11 tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp, đồng thời phát tín hiệu có thể sẽ điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng ngay sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chấn chỉnh những kỳ vọng cho rằng Fed sẽ sớm trở nên mềm mỏng hơn.
Trong một động thái không nằm ngoài dự báo của thị trường suốt nhiều tuần qua, Fed tăng lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) của các khoản vay ngắn hạn thêm 0,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75-4%. Đây là mức cao nhất của lãi suất chính sách Fed kể từ tháng 1/2008.
Đợt tăng lãi suất này là sự tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Fed kể từ đầu thập niên 1980 - giai đoạn mà lạm phát ở Mỹ cũng cao như hiện nay.
“Chúng tôi vẫn còn những chặng đường phải đi và các dữ liệu kinh tế được đưa ra kể từ sau lần họp trước cho thấy mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này sẽ phải cao hơn nhiều so với dự tính trước đây”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Từ trước cuộc họp, thị trường tài chính toàn cầu đã chờ đợi từ tuyên bố của Fed một tín hiệu rằng đây có thể là lần cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt này Fed áp dụng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Quả thật, giới đầu tư đã nhận được một tín hiệu như mong muốn từ Fed, khi Fed nói “sẽ tính đến mức độ thắt chặt đã đạt được trong chính sách tiền tệ, độ trễ của hiệu ứng chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, và các diễn biến kinh tế và tài chính” khi quyết định các đợt nâng lãi suất trong tương lai.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây chính là tín hiệu về sự “giảm tốc” của lãi suất mà thị trường đã đồn đoán nhiều trong thời gian gần đây, đồng nghĩa Fed có thể hạ bước nhảy lãi suất về 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12, rồi tiếp tục nâng với bước nhảy thậm chí còn ngắn hơn trong năm 2023.
Nhưng trong phiên trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Fed, Chủ tịch Powell đã “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng của thị trường về một sự giảm tốc của lãi suất. Về cơ bản, ông Powell bác bỏ ý tưởng rằng Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất, dù ông có nói Fed có thể bàn chuyện tăng lãi suất chậm lại trong 1-2 cuộc họp tới.
Ông cũng tái khẳng định quan điểm rằng việc chống lạm phát đòi hỏi quyết tâm và kiên nhẫn, và đỉnh của lãi suất - mức mà ở đó Fed dừng tăng - sẽ phải cao hơn.
“Chúng tôi vẫn còn những chặng đường phải đi và các dữ liệu kinh tế được đưa ra kể từ sau lần họp trước cho thấy mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này sẽ phải cao hơn nhiều so với dự tính trước đây”, ông Powell phát biểu. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói thêm rằng “còn quá sớm” để nói về việc dừng tăng lãi suất. “Chúng tôi vẫn phải đi tiếp”, ông nói.
“Chính sách cần phải thắt chặt hơn, và điều đó thu hẹp cánh cửa cho một cuộc ‘hạ cánh mềm’”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Ông Powell cũng nói có thể đến một lúc nào đó, Fed nên giảm tốc độ tăng lãi suất. Dù vậy, đây là quan điểm mà ông đã đưa ra trong các cuộc họp báo thời gian gần đây. “Sẽ đến lúc như vậy, thậm chí ngay trong cuộc họp tiếp theo hoặc cuộc họp sau đó. Nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra cả”, ông phát biểu.
Trong cuộc họp báo, ông Powell còn bày tỏ quan điểm khá bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ. Cho rằng đỉnh của lãi suất sẽ phải là mức cao hơn so với mức dự kiến hồi tháng 9, ông Powell cho rằng khả năng kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” giảm xuống.
“Cơ hội hạ cánh mềm đã thu hẹp lại ư? Đúng là như vậy”, ông trả lời khi nhận được một câu hỏi về khả năng nền kinh tế tránh được nguy cơ sụt tốc mạnh. Ông nói sự cần thiết phải nâng lãi suất lên cao hơn khiến cho việc đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” trở nên khó khăn hơn. “Chính sách cần phải thắt chặt hơn, và điều đó thu hẹp cánh cửa cho một cuộc ‘hạ cánh mềm’”.
Đợt tăng lãi suất này của Fed diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vẫn tăng với tốc độ cao nhất khoảng 4 thập kỷ. Thị trường lao động thiếu cung, với 2 công việc cần tuyển dụng tính trên mỗi người thất nghiệp, đang đẩy tiền lương gia tăng. Đây là xu hướng mà Fed đang cố gắng cắt đứt thông qua thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát mà Fed chuộng hơn - cho thấy chi phí sinh hoạt ở Mỹ tăng 6,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng là 5,1% nếu không tính giá lương thực-thực phẩm và năng lượng.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm trong 2 quý đầu năm nay. Quý 3, kinh tế Mỹ tăng 2,6% nhưng chủ yếu do xuất khẩu tăng bất thường và nhập khẩu giảm. Cùng với đó, nhu cầu mua nhà ở Mỹ giảm chóng mặt do lãi suất cho vay thế chấp nhà kỳ hạn 30 năm đã tăng vọt qua mức 7% trong những ngày gần đây.